GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH
Cuộc đời này không thể thiếu sự hài hước, hài hước cũng là một nét đẹp, một gia vị khiến cuộc sống thú vị hơn. Hầu như không ai là không thích hài hước, dí dỏm, hơn nữa hài hước còn gắn bó mật thiết với sự thành bại của cuộc đời mỗi người.
Trong giao tiếp xã hội, hài hước giúp chúng ta thiết lập được mạng lưới quan hệ rộng rãi. Người hài hước thường là những người tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống, với thế giới. Có ai lại nỡ từ chối giao tiếp với những người như vậy cơ chứ?
Hài hước có thể giúp bạn tự tạo ra môi trường thuận lợi “như cá gặp nước” trong các hoạt động xã giao. Hài hước không chỉ có lợi cho việc đàm phán mà còn như một cánh tay tiếp thêm sức mạnh cho công việc của bạn, giúp bạn nhanh chóng đạt được thành công, chuyển bại thành thắng.
Hài hước một chút, thế giới sẽ khác đi – cuốn sách với nội dung phong phú mà sâu sắc này sẽ giúp các bạn có được cái nhìn rõ nét hơn về tầm quan trọng của tính hài hước dưới các góc độ, phương diện đánh giá khác nhau, cũng như có thêm những kĩ năng vận dụng sự hài hước vào trong cuộc sống. Hi vọng sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn có thể biến mình thành một người biết nói chuyện, khéo léo vận dụng những ngôn từ hài hước, “gãi đúng chỗ ngứa” của đối phương để mở ra con đường dẫn tới thành công, được mọi người yêu mến.
Biết cách hài hước đúng mực sẽ giúp bạn thành công. Hãy cùng tìm hiểu về nghệ thuật hài hước! Nó có thể giúp bạn đạt được những thành tựu rực rỡ cũng như nắm được bí quyết sử dụng thời gian một cách hữu hiệu trên đường đời.
ĐỌC THỬ
Chương 1 TOP 10 NGUYÊN TẮC HÀI HƯỚC CỦA NGƯỜI THÀNH CÔNG
HÀI HƯỚC MỘT CHÚT, THÀNH CÔNG SẼ Ở GẦN BẠN HƠN
H
ài hước là một nhân tố có tính hài kịch đặc biệt, đồng thời cũng là sự thể hiện hoặc tái hiện nhân tố hài kịch trong đời sống và nghệ thuật. Nó thông qua các thủ pháp như so sánh, khoa trương, tượng trưng, ngụ ý, điệp âm… vận dụng những ngôn từ thông minh, thú vị để tiết lộ, phê bình hay giễu cợt một cách hàm súc những sự vật, hiện tượng không hợp lí, những mâu thuẫn trong đời sống xã hội, khiến người ta phủ định sự vật hay hiện tượng đó trong những tiếng cười thoải mái, nhẹ nhàng. Nhưng hài hước không phải là muốn nói thế nào thì nói, cũng không phải là một tấc đến giời, mà cần phải thấu hiểu các nguyên tắc cơ bản.
1. CÓ MỘT TÂM LÍ LÀNH MẠNH, LẠC QUAN, TÍCH CỰC
Sức khỏe bắt đầu từ sự hài hước. Hài hước là một biểu hiện tâm trạng đặc biệt, nó là công cụ để con người thích nghi với môi trường, là một trong những phương pháp để con người giảm bớt áp lực tinh thần khi đối diện với khó khăn.
Hài hước bắt nguồn từ một tâm lí tốt và tính cách lạc quan, có thể giúp con người giảm bớt tâm trạng tiêu cực, giải tỏa những đau buồn, phiền não.
Một người hài hước khi giao thiệp sẽ dễ dàng nhận được sự tin tưởng và yêu mến của mọi người hơn. Ngoài ra, một người hài hước cũng có thể phát hiện được “nhân tố có tính kịch” trong một hoàn cảnh không như ý, từ đó khiến cho tâm lí của bản thân được cân bằng.
Một nhà văn người Đức từng nói: “Điều khiến cho người ta bật cười, là sự khôi hài; điều khiến người ta suy nghĩ một lát mới bật cười, là sự hài hước.” Bởi vậy, muốn học sự hài hước, thì trước tiên cần có một tâm lí lành mạnh, lạc quan và tích cực.
Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Mĩ, suốt cuộc đời đã luôn vấp phải những gian khổ và trắc trở. Xuất thân bần hàn, năm lên 9 tuổi thì mẹ qua đời, đến tận năm 15 tuổi Lincoln mới được đi học.
Năm 24 tuổi, Lincoln hợp tác buôn bán với người khác, nhưng vì không biết kinh doanh nên thất bại, vì vậy ông phải gánh lấy món nợ suốt 15 năm ròng. Năm 25 tuổi, mối tình đầu của ông – bà Anne – qua đời vì bệnh tật, điều này khiến Lincoln vô cùng đau khổ, sau đó thường xuyên bị rơi vào trạng thái trầm uất. Năm 32 tuổi, ông kết hôn với tiểu thư Mary Todd, nhưng vì tính tình nóng nảy của vợ mà ông thường xuyên không về nhà. Năm 35 tuổi, ông bắt đầu thi tuyển công chức, nhưng lần nào cũng thất bại. Năm 52 tuổi, cuối cùng ông cũng được bầu làm Tổng thống Mĩ, đúng năm đó thì nội chiến Nam – Bắc Mĩ nổ ra.
Trong cuộc nội chiến này, tuy rằng về số lượng quân nhân lẫn trang thiết bị của quân đội miền Bắc đều vượt trội hơn quân đội miền Nam, nhưng lại liên tiếp gặp thất bại trên chiến trường. Cuộc nội chiến vốn dự đoán chỉ diễn ra trong hai năm thì trên thực tế đã kéo dài ròng rã suốt bốn năm trời khiến Lincoln chịu nhiều khổ cực.
Vậy mà Lincoln đã dùng nụ cười để hóa giải tất cả những bất hạnh trong đời một cách tích cực. Nhưng bất hạnh cuối cùng đã xảy ra khi ông 56 tuổi, chiến tranh Nam – Bắc Mĩ kết thúc, cuộc bầu cử Tổng thống Mĩ một lần nữa được tổ chức, khi đi xem kịch tại Kịch viện Ford, ông đã bị người ta ám sát.
Thực ra, Lincoln vốn là một người không giỏi ăn nói, môi trường sống của ông cũng vô cùng tẻ nhạt. Để cuộc sống của mình luôn tràn ngập ánh mặt trời, và cũng là để giảm bớt những phiền muộn, ông đã tích cực học cách hài hước.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, Lincoln đều đọc một vài mẩu truyện cười, thói quen này duy trì cho tới tận khi ông trở thành chủ nhân của Nhà Trắng.
Ngoài ra, Lincoln luôn rất sẵn lòng chia sẻ truyện cười với người khác, ông thích nhất là kể những câu chuyện vui mà bản thân được nghe trong những năm tháng sinh sống và lớn lên ở nông trại. Người ta thường nghe thấy ông mở đầu rằng: “Lời anh nói khiến tôi nhớ lại một truyện cười.”
Mỗi khi kể truyện cười, gương mặt Lincoln bừng sáng, ánh mắt lấp lánh, giọng nói bất giác như cao hơn, có lúc ông không kiềm chế được bản thân, bật cười to lên rồi khoa chân múa tay. Lâu dần, Lincoln không chỉ tự rèn luyện bản lĩnh hài hước của mình, mà còn trở thành một cao thủ kể truyện cười.
Khi phải vượt qua nhiều khó khăn hoạn nạn mà Lincoln vẫn luôn giữ được nụ cười trên môi, đó cũng là một biểu hiện của tâm lí tích cực.
Hài hước có thể giúp nâng cao khả năng “miễn dịch” của con người. Một người hài hước sẽ có tính cách lạc quan và cái nhìn tích cực về hạnh phúc trong cuộc sống. Mặt khác, thường cũng chỉ những người có thái độ sống tích cực mới có sự hài hước, bởi vậy, hài hước và tâm lí tích cực không thể tách rời khỏi nhau. Người hài hước đa phần đều là những người lạc quan, tích cực, đồng thời cũng là những người ấm áp, dịu dàng, họ luôn giữ thái độ vui vẻ với người khác, ít khi tuyệt vọng về cuộc sống.
Thẩm Tùng Văn – một tác gia lớn của Trung Quốc luôn tạo cho người khác có ấn tượng rằng ông là một người nho nhã, lịch sự – trong thời kì Cách mạng Văn hóa đã bị bè phái tạo phản phạt quét nhà vệ sinh nữ.
Sau này, Thẩm Tùng Văn nói với Hoàng Vĩnh Ngọc rằng đây thực ra là sự tin tưởng của bè phái tạo phản dành cho ông: “Họ biết tuy rằng về mặt chính trị tôi không đáng tin, nhưng mặt đạo đức lại cực kì đáng tin tưởng”.
Các tác phẩm của Thẩm Tùng Văn đều rất hay, nhưng chính tâm lí lạc quan và sự bình thản được thể hiện qua tính hài hước dù sống trong hoàn cảnh khó khăn của ông mới là thứ khiến cho người ta càng khâm phục hơn nữa.
Hài hước không những khiến tư duy bản thân trở nên nhạy bén hơn, nụ cười luôn nở trên môi, mà còn khiến người khác trở nên cởi mở hơn, thân thiện với ta hơn. Ngoài ra, hài hước có thể giúp con người nâng cao khả năng giao tiếp, có thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp.
Trong sự hài hước có thể biểu lộ sự ôn hòa thiện ý, cởi mở, nhưng cũng có thể bộc lộ sự đả kích sắc bén. Chỉ cần thông qua đó có thể thấy được trí tuệ cũng như thái độ sống tích cực của một người. Giúp con người có thêm sức mạnh từ những tiếng cười thì “hài hước” một chút có gì là xấu?
Chỉ khi sống trong tâm lí lạc quan, tích cực thì con người mới có thể sống tốt và hưởng thụ cuộc sống. Bởi vậy những người hài hước thường khỏe mạnh hơn người khác.
Tướng quân Tôn Nghị – người được mệnh danh là “Cây tùng trẻ mãi” của quân đội Trung Quốc là một người vô cùng hài hước. Trên quãng đường trường chinh dài dằng dặc, với tư cách là Tham mưu trưởng, lẽ ra ông được cưỡi ngựa, nhưng cố vấn quân sự Lí Đức lại lấy lí do “Tôn Nghị là quân trắng (1)” để hủy tư cách được cưỡi ngựa của ông.
(1) Quân trắng: Chỉ quân đội phản cách mạng của giai cấp tư sản.
Trước sự kì thị này, Tôn Nghị chỉ mỉm cười: “Không có bốn chân, tôi vẫn còn hai chân mà!”. Ông sẵn sàng đứng trên đôi chân của mình để đi hết quãng đường trường chinh.
Mỗi khi có người nhắc tới quá khứ không vui, Tướng quân Tôn Nghị thường đùa rằng: “Tôi phải cảm ơn Lí Đức, ông ấy đã giúp tôi rèn luyện đôi chân, đặt nền móng cho một sức khỏe tốt.”
Chính nhờ sự rộng lượng và hài hước đó mà Tướng quân Tôn Nghị khỏe mạnh, trường thọ và luôn luôn vui vẻ.
Những người hài hước đều là những người sống tích cực, lạc quan, phóng khoáng, tâm tính khoan dung, ôn hòa, hơn nữa còn tràn đầy niềm tin vào cuộc sống và tự tin vào bản thân.
Những người hài hước đều là những người có tâm lí lành mạnh, còn những người tâm lí không lành mạnh thì không thể hài hước được.
Triết gia người Đức – Kant sống tới 80 tuổi, ông cho rằng hài hước có tác dụng rất lớn trong việc giúp con người sống khỏe mạnh và trường thọ. Ông từng nói rằng: “Nếu không biết đến sự hài hước thì cuộc sống của con người quả thực quá khổ sở”. Ông luôn giữ tâm trạng lạc quan và hài hước cho tới tận những năm tháng cuối đời.
Trong cuộc sống, thêm một phút hài hước là thêm một phút niềm vui; trong các mối quan hệ xã hội, thêm một chút hài hước là thêm một chút thân thiện; bất cứ nơi nào có sự hài hước thì đều có không khí hài hòa, vui vẻ.
Bởi vậy, chỉ cần bạn có thái độ tích cực, lạc quan với cuộc sống thì sự hài hước sẽ luôn ở bên bạn.
2. NHÌN NHẬN THẾ GIỚI TỪ GÓC ĐỘ THÚ VỊ
Trong cuộc sống, không phải mọi người đều có khiếu hài hước, để hài hước cũng cần có những điều kiện nhất định. “Sự hài hước” – nói một cách đơn giản là kể chuyện cười. Từ góc độ này, muốn học sự hài hước thì cần phải học cách nhìn nhận thế giới từ những góc độ thú vị.
Cuộc đời mỗi người, hoặc sẽ trôi qua một cách bình yên, hoặc sẽ nhiều sóng gió, có vui và cũng có buồn. Quan trọng là chúng ta nhìn nhận và đối mặt với cuộc đời bằng thái độ nào.
Tìm một hồ nước đẹp, câu lấy vài con cá, nhớ lại những được và mất trong đời; uống một bình rượu ngon, kết thêm vài người bạn, mỉm cười nhìn đời người được mất. Không vui cũng là sống, mà vui cũng là sống, vậy thì chúng ta hãy vui vẻ lên một chút, học cách điều tiết tâm trạng của bản thân! Lúc buồn ta nên tự tìm niềm vui cho mình, để cuộc sống bình yên được thêm phần thú vị.
Trắc trở hay thất bại là chuyện thường gặp trên đường đời, nếu không biết nâng cao khả năng chịu đựng áp lực thì những lo lắng và căng thẳng ấy chắc chắn sẽ khiến chúng ta mệt mỏi. Nhưng nếu nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề từ góc độ khác, có thể bạn sẽ phát hiện ra đó không phải là một khó khăn.
Bởi vậy, có những lúc chúng ta cần phải nhìn cuộc sống bằng con mắt lạc quan, và cũng chỉ khi lạc quan thì mới có được sự hài hước. Một người luôn cảm thấy chán ghét vạn vật trên thế giới, không có hứng thú với bất cứ việc gì thì chắc chắn không thể là người hài hước.
Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía bắc Trung Quốc. Ông là một người rất lạc quan và hài hước.
Một hôm, con ngựa nhà Tái Ông không hiểu vì sao mà lạc đường không thấy quay về. Hàng xóm biết chuyện đều tới chia buồn với ông. Nhưng Tái Ông lại chẳng thấy buồn, ngược lại còn an ủi mọi người: “Mất ngựa đương nhiên là việc xấu, nhưng ai biết được, có khi nó mang lại điều gì khác tốt đẹp hơn ấy chứ!”.
Không ngờ vài tháng sau, con ngựa lạc đường ấy lại quay về và dẫn theo một con ngựa khác. Đó là một con tuấn mã rất đẹp của người Hồ. Thấy vậy, hàng xóm đều tới chúc mừng nhà ông. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: “Biết đâu việc này lại chẳng mang đến tai họa gì.”
Con trai của Tái Ông rất thích con tuấn mã mới, ngày nào cũng cưỡi nó đi dạo chơi mà không biết chán. Một hôm, cậu con trai vì hứng chí quá nên bất cẩn ngã từ trên lưng ngựa xuống, gẫy mất một chân, trở thành người tàn tật suốt đời. Những người hàng xóm tốt bụng nghe tin lại tới hỏi han, an ủi, nhưng Tái Ông hoàn toàn không tỏ ra bi thương, ông vẫn nói câu cũ: “Ai biết nó có mang lại điều gì tốt đẹp hơn không.”
Một năm nữa trôi qua, người Hồ đưa quân sang xâm lược, tình hình biên cương vô cùng căng thẳng, những thanh niên trai tráng đều bị gọi nhập ngũ, mười người thì có tới tám, chín người chết trên chiến trường. Nhưng con trai Tái Ông do chân bị tàn phế nên được miễn quân dịch, vì thế bố con ông thoát được kiếp nạn sinh li tử biệt.
Sau đó, người đời tổng kết câu chuyện này thành câu thành ngữ “Tái Ông thất mã” với ngụ ý rằng: Việc tốt hay xấu trên thế gian này đều không phải là tuyệt đối, trong điều kiện nhất định, việc xấu có thể mang tới kết quả tốt. Bởi vậy, hãy nhìn nhận thế giới qua một đôi mắt tràn đầy sự lạc quan, tin tưởng.
Có một anh thanh niên, sau khi đi thử xe máy mới thì bị tai nạn và trở thành tàn phế, anh nói đùa với những người tới thăm: “Chà, ngày trước tôi cứ nghĩ, một ngày mình có một cái xe máy mới thì tốt. Bây giờ tôi có một chiếc xe thật, hơn nữa đúng là có trong một ngày”. Mọi người nghe anh nói đều bật cười vui vẻ.
Đối với anh thanh niên này, bị tai nạn xe là một sự thực không thể thay đổi, nhưng anh không nhìn sự việc đó một cách quá nặng nề, mà sử dụng sức mạnh của sự hài hước để làm giảm bớt nỗi đau khổ của bản thân, đồng thời mang lại cho những người xung quanh sự vui vẻ, lạc quan.
Nhìn cuộc đời dưới một lăng kính mới mẻ sẽ khiến chúng ta có cái nhìn vui vẻ hơn, đó là điều mà chỉ những người hài hước mới làm được. Người hài hước thường tỏ ra vô cùng cởi mở, với bất cứ sự việc gì cũng luôn giữ thái độ tích cực, lạc quan.
Hài hước có tác dụng rất tích cực, nó vừa giúp tâm lí chúng ta giữ được sự cân bằng, ổn định, lại vừa có thể giải tỏa những nút thắt tâm lí, phát huy vai trò giảm thiểu lo lắng, bất an, là một “liều thuốc phòng ngự” giúp cho tinh thần luôn được khỏe mạnh.
Hài hước luôn khiến cuộc sống trở nên thú vị hơn. Nó là ánh sáng của trí tuệ, là một phẩm chất tốt đẹp của tư duy chứ không phải là biểu hiện của sự lẻo mồm lẻo mép, cũng không phải là những trò đùa dung tục. Hài hước có thể giúp ta hiểu hơn về cuộc đời, tìm ra điểm sáng trong cuộc sống, mang lại cho con người niềm vui và hạnh phúc.
Triết gia nổi tiếng Socrates là một người vô cùng hài hước. Trước những sai lầm của người khác, ông không bao giờ chọn cách chỉ trích, mà chọn sử dụng một phương pháp khác – hài hước.
Vợ Socrates là một người tính tình nóng nảy, thường xuyên làm người chồng nổi tiếng của mình mất mặt trước đông đảo mọi người.
Có một lần, khi Socrates đang cùng học trò thảo luận về mấy vấn đề học thuật thì không biết vì sao đột nhiên vợ ông xông vào quát tháo, khiến cả lớp học kinh ngạc. Sau đó, bà còn xách một thùng nước lạnh dội vào người Socrates, khiến ông ướt như chuột lột.
Khi các học sinh đang tỏ ra vô cùng ngượng ngùng, bối rối thì Socrates hiền hòa cười nói: “Ta biết ngay sau khi có sấm là trời mưa mà.”
Chỉ một câu nói hài hước ấy của ông đã khiến cơn tam bành của bà vợ lập tức tan biến, mọi người cùng bật cười vui vẻ. Điều khiến chúng ta khâm phục hơn nữa, đó là tố chất văn hóa cao siêu, nghệ thuật tu dưỡng và cả tấm lòng rộng lượng của bậc thầy trí tuệ này.
Từ đó có thể thấy một người hài hước sẽ biết nhìn thế giới từ góc độ thú vị, giống như Socrates. Hay nói cách khác, một người muốn có sự hài hước thì nên nhìn nhận thế giới từ góc độ khác thú vị hơn.
Bởi vậy, xét trên một phương diện nào đó thì hài hước có thể giúp chúng ta giảm nhẹ áp lực tâm lí, thoát khỏi khó khăn, chiến thắng phiền não, phấn chấn tinh thần; từ đó khiến cho mọi người càng thêm yêu mến, tin tưởng bạn, các mối quan hệ cũng trở nên hài hòa hơn, tình cảm được thắt chặt hơn.
Hài hước không có nghĩa là đùa cợt, nó sâu sắc hơn đùa cợt rất nhiều; hài hước không có nghĩa là chọc cười, nó có ý nghĩa hơn việc chọc cười rất nhiều; hài hước cũng không phải là mồm mép, dung tục, chớt nhả, mà là một phẩm chất và năng lực, và cũng là một môn nghệ thuật.
Engels cho rằng, hài hước là biểu hiện của trí tuệ, tu dưỡng và đạo đức. Có một nhà văn còn nói, linh hồn của hài hước chính là sự chân thành và trang nghiêm.
Có lẽ bạn sẽ không khó để nhận thấy một người có lòng dạ hẹp hòi, chi li tinh toán, thủ đoạn độc ác, đê tiện bỉ ổi thì sẽ rất khó có được sự hài hước.
Bởi vì hài hước có mối quan hệ mật thiết với sự thành thực, lương tri, đạo đức và chân lí, còn sự giả dối, bất nghĩa, vô nhân tính thì không thể đi cùng với sự hài hước.
Trong cuộc sống hay công việc thường ngày, nếu mỗi người biết hài hước hơn một chút thì sẽ có được tâm trạng thoải mái hơn một chút.
Vậy chúng ta hãy cố gắng luôn giữ một tâm lí khỏe mạnh để chào đón ngày mới, nhìn nhận thế giới bằng đôi mắt lạc quan, như thế, bạn sẽ phát hiện ra mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
3. TRÍ NHỚ VÀ KHẢ NĂNG PHẢN ỨNG TỐT
Sự hài hước luôn tồn tại trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. “Hài hước” lại có thể chia thành hai loại: tầng nông và tầng sâu.
“Tầng nông” để chỉ sự hài hước được thể hiện qua biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể, thêm vào đó là lời nói, có thể khiến người ta bật cười, qua đó đạt mục đích chọc cười người khác.
Còn “tầng sâu” thì để chỉ sự hài hước thông qua việc chọn một thời điểm thích hợp để bày tỏ quan điểm về thế giới và suy nghĩ về sự vật, mà cách biểu đạt suy nghĩ và quan điểm này lại vận dụng những hiện tượng tưởng chừng rất đơn giản và bình thường trong cuộc sống, dùng cách nói bình thường nhưng hàm chứa chân lí để chọc cười người khác. Hay nói cách khác, đó là những câu nói nghe qua tưởng chừng hoang đường nhưng trong đó lại hàm chứa đạo lí hay một sự tổng kết đúng đắn, phản chiếu ánh sáng của trí tuệ. Và điều này cần phải được xây dựng trên cơ sở một nền móng kiến thức phong phú.
Hài hước ở tầng nông cần có đầu óc thông minh, phản ứng nhanh nhạy, trí nhớ tốt.
Hài hước ở tầng sâu thì ngoài những nhân tố kể trên, còn cần có một tư duy nhạy bén và khả năng lí giải vấn đề. Có thể nói đây là điều mà không phải ai cũng đạt tới được.
Thâm thúy khó lường, sự hài hước ở tầng sâu có lẽ sẽ không mang lại không khí náo nhiệt như sự hài hước ở tầng nông, mà thường chỉ khiến bạn mỉm cười nhẹ nhàng, nhưng như thế không có nghĩa là nó làm giảm bớt sự tán thành và khâm phục mà người khác dành cho bạn. Có thể người khác không nói ra, nhưng hình ảnh của bạn trong lòng họ sẽ dần dần được nâng cao.
Hài hước khác với chọc cười. Chọc cười là thông qua những ngôn ngữ, hành vi khác người hay khác thường để giành được tiếng cười của mọi người, nhưng nó thiếu những ý nghĩa sâu xa mà hài hước mang lại.
Trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra không lâu, người ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền ở Mĩ – Nancy Witcher Astor có một cuộc phỏng vấn thủ tướng Anh – Churchill, Churchill cũng rất nhiệt tình đón tiếp cô.
Trong lúc trò chuyện, Astor thảo luận tới vấn đề quyền lực của phụ nữ và khẩn thiết hi vọng Churchill giúp cô trở thành nữ nghị sĩ đầu tiên bước chân vào Hạ viện. Churchill chế giễu suy nghĩ này của cô, và cũng không đồng ý với một số quan điểm của nhà nữ quyền này, khiến cô nổi giận.
Cô nói: “Nếu tôi là vợ ngài, tôi sẽ cho thuốc độc vào li cà phê của ngài.”
Churchill dịu dàng tiếp lời: “Nếu tôi là chồng cô, tôi sẽ uống nó mà không hề do dự.”
Nếu trong lúc trò chuyện, bạn nắm bắt được kĩ năng hài hước thì sẽ khéo léo đối phó được với các tình huống khó xử, điều tiết cuộc sống, thậm chí là thay đổi cả cuộc đời mình, khiến cho cuộc sống tràn đầy sự lạc quan.
Người hài hước thường nhanh trí trong việc hóa giải những tình huống khó khăn, nguy hiểm bằng những cách sáng tạo và chu toàn. Thường những người có EQ cao sẽ giỏi vận dụng sự hài hước để đối phó với tình huống nguy cấp.
Một hôm, Goethe – nhà thơ người Đức đi tản bộ trong công viên. Trên con đường nhỏ chỉ vừa cho một người đi, ông thấy một nhà phê bình luôn có những bài phê bình rất gay gắt đối với tác phẩm của ông đang bước tới.
Nhà phê bình này cao giọng nói: “Tôi chưa bao giờ nhường đường cho kẻ ngốc.”
“Còn tôi thì ngược lại!”, – Goethe bình tĩnh nói và mỉm cười bước sang một bên.
Cách xử sự thông minh này của Goethe còn được truyền tụng rộng rãi đến mãi sau này. Chiến thuật hài hước mà ông vận dụng cũng giống như nguyên lí lấy nhu khắc cương trong Thái cực quyền của Trung Quốc.
Trong mắt người đời, hài hước chẳng qua chỉ là một công cụ gây cười. Nhưng nếu bạn thực sự cho rằng như vậy thì bạn đã nhầm to.
Trong sự hài hước còn bao hàm cả trí tuệ, qua đó có thể nhận ra khả năng phản ứng của một người nhanh hay chậm, bởi vậy nó không những có thể chọc cười người khác, mà còn có rất nhiều tác dụng khác nữa.
Trong quá trình giao tiếp, hài hước không những có thể giải tỏa áp lực cho cả đôi bên mà còn có thể thể hiện nhân cách, sự cởi mở, khoáng đạt, đồng thời thể hiện trí tuệ, tài năng cũng như sức hút của con người.
Nếu gặp phải một sự việc ngoài ý muốn hoặc một vấn đề khó trả lời trực tiếp, thì chúng ta có thể thông qua sự hài hước để thoát khỏi sự bối rối, tạo cho mình một con đường lui.
Quý ông nọ đang dùng cơm trong nhà hàng thì đột nhiên phát hiện ra trong tô canh có một con ruồi. Ông bèn gọi người phục vụ tới, lạnh lùng hỏi: “Xin hỏi, cái thứ này đang làm gì trong tô canh của tôi?”.
Trong tình huống này, cho dù người phục vụ có giải thích hay xin lỗi thế nào đi nữa thì cũng sẽ phải nhận lời phê bình gay gắt, thậm chí là khiến cho thực khách thêm phẫn nộ. Nhưng cuối cùng, sự hài hước đã cứu anh ta một bàn thua, khiến không khí trở nên bớt căng thẳng.
Anh ta cúi xuống, quan sát rất lâu rồi trả lời: “Thưa ngài, nó đang bơi ngửa!” Các thực khách trong quán ăn lập tức bật cười.
Một vị khách đến dùng bữa ở một khách sạn nổi tiếng, gọi món tôm hùm. Nhưng ông phát hiện ra con tôm hùm trong đĩa chỉ có một cái càng. Ông bèn hỏi người phục vụ, người phục vụ lập tức gọi ông chủ tới.
Ông chủ tỏ ra vô cùng biết lỗi và giải thích: “Xin lỗi quý khách, thực ra tôm hùm là một loài động vật rất tàn nhẫn. Có thể khi đánh nhau với đồng loại, con tôm hùm của ngài đã bị cắn mất một bên càng.”
Vị khách cũng khéo léo trả lời: “Vậy thì phiền ông đổi cho tôi con tôm đã chiến thắng.”
Ở đây, cả ông chủ và vị khách đều dùng cách nói rất hóm hỉnh để uyển chuyển giải quyết mâu thuẫn giữa đôi bên. Phương thức này không hề giễu cợt, phê phán hay làm tổn thương tới lòng tự trọng của người khác mà vẫn bảo vệ được danh dự cho nhà hàng cũng như lợi ích của khách hàng.
Còn sự hài hước của ông chủ cũng có mối quan hệ mật thiết với khả năng phản ứng của ông. Bạn thử nghĩ xem, nếu ông không có khả năng phản ứng tốt thì liệu có thể đối phó được với tình huống khó xử này không?
Trong sự hài hước cũng bao hàm trí tuệ của mỗi người, khi người khác nói bạn thật hài hước, thực ra là họ đang khen ngợi sự thông minh của bạn, bởi một người không thông minh thì sẽ khó lòng thể hiện được sự hài hước.
Hài hước cần có một khả năng ứng biến nhanh nhạy, thích hợp với thời điểm thì mới có thể khiến người ta bật cười. Hài hước còn cần tới trí tuệ, dùng lời lẽ uyển chuyển để biểu đạt một thông tin, bởi vậy, ít nhiều nó cũng mang chút châm chọc.
Chỉ khi nhanh chóng nắm bắt được bản chất của sự vật, rồi dùng sự so sánh thích hợp, ngôn ngữ vừa phải để biểu đạt thì mới mang lại cho người khác cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng.
Đương nhiên, khi thể hiện sự hài hước, bạn nên đặc biệt chú ý: Nguyên tắc quan trọng là tuyệt đối không được qua loa đại khái, các vấn đề khác nhau cần có cách xử lí không giống nhau, khi xử lí vấn đề phải có sự linh hoạt, hài hước nhưng không dung tục, như thế hài hước mới thực sự mang lại “dinh dưỡng” cho đời sống tinh thần của con người.
Một hướng dẫn viên du lịch đang giảng giải về những điều cần chú ý khi đi du lịch. Lúc bắt đầu, anh ta đã nói trước là chỉ nói hai câu, nhưng chẳng hiểu sao lại nói suốt mười phút đồng hồ, một vị khách nửa đùa nửa thật nói: “Anh chỉ nói hai câu mà sao lâu thế?”.
Các du khách khác đều bật cười, người hướng dẫn viên rất bối rối, nhưng lập tức nói: “Câu mở đầu và câu kết thúc, ở giữa không tính, vậy chẳng phải là hai câu sao?” Câu trả lời hài hước và nhanh trí ấy đã giúp anh thoát khỏi sự bối rối, các du khách cũng cười vui vẻ.
Có một hướng dẫn viên du lịch khác cùng khách Âu Mĩ đi ăn cơm, vị khách đó có vẻ rất hứng thú với việc dùng đũa của người bản địa, bèn muốn người hướng dẫn làm mẫu.
Trong lúc làm mẫu, do bất cẩn nên người hướng dẫn làm một chiếc cốc rơi xuống đất vỡ tan, khiến tất cả thực khách xung quanh giật mình. Không khí trong quán ăn lập tức trở nên yên lặng, các vị khách đều quay sang nhìn anh.
Lúc này, anh nhún vai nói: “Như thế gọi là hoa nở dưới đất, vàng ngọc đầy nhà”. Sự hài hước của anh khiến cách du khách lại náo nhiệt trở lại, quán ăn lập tức ồn ào hẳn lên.
Bởi vậy trong cuộc sống, chúng ta nên học cách củng cố trí nhớ thêm sâu sắc, nâng cao khả năng quan sát sự vật, hiện tượng, bồi dưỡng sự nhanh nhạy để nâng cao khiếu hài hước.
4. LÙI MỘT BƯỚC ĐỂ TIẾN HAI BƯỚC, BIẾT NHƯỜNG NHỊN NGƯỜI KHÁC
Khi nói về lí do thành công, người ta thường nhấn mạnh tinh thần tích cực tiến thủ. Nhưng có những lúc, chỉ biết lao về phía trước chưa chắc đã là phương pháp tốt nhất; thực ra, lùi một bước để tiến hai bước cũng là một sách lược trong cuộc sống.
Đương nhiên chúng ta nên cổ vũ tinh thần quyết không từ bỏ mục tiêu đã đề ra, bởi trên thực tế, thực sự nó đã khiến rất nhiều người đạt được thành công.
Nhưng trong thế giới phức tạp và không ngừng thay đổi này, đương nhiên chúng ta không thể sử dụng cùng một sách lược để đối phó với mọi tình huống, đôi khi chúng ta cũng phải biết nhún mình, nhường nhịn người khác. Trong cuộc sống, trường hợp như vậy không phải là hiếm.
Ví dụ, giữa một khu chợ đông đúc, anh A vô tình giẫm phải chân anh B, anh B bèn nhắc nhở: “Này, anh đang tự làm đau chân mình đấy à?” Anh A nói: “Xin lỗi, chân tôi không có mắt. Ha ha, hay là anh giẫm lại tôi một cái đi!” Như thế, chỉ đôi câu nói đã giúp hai người tránh được một cuộc cãi vã không đáng có.
Thực ra, trong cuộc sống hàng ngày, thêm một chút hài hước, bớt vài phần nguyên tắc là chúng ta đã có thêm rất nhiều niềm vui và lòng yêu đời. Trong công việc, thêm một phần hài hước, bớt vài phần cứng nhắc là chúng ta có thể giảm bớt áp lực, nâng cao nhiệt tình với công việc. Trong giao tiếp, thêm một chút hài hước, bớt vài phần khắc nghiệt là chúng ta đã có thể biến mâu thuẫn thành mối quan hệ hòa hảo, tăng cường sự thấu hiểu, thông cảm giữa người với người.
Hai người A và B vì một nguyên nhân rất nhỏ trong công việc mà cãi nhau. A chất vấn B: “Vì sao anh vô lí thế hả?” B nói: “Tôi vốn không có lí thì nói lí gì với anh?” A nghe thế bật cười, thế là mọi giận hờn đều tan biến.
Có những lúc, nếu cứ giữ thái độ căng thẳng kéo dài chưa chắc đã mang lại kết quả tốt. Cho dù là trong việc gì cũng đều nên biết nhường nhịn, bởi nhường nhịn đôi khi sẽ mang lại cho chúng ta những thu hoạch không ngờ.
Có một ông lão bị một chàng trai trẻ đụng phải trên xe bus, ông lão không những không trách cứ mà còn hài hước nói: “Tại tôi đứng không đúng chỗ phải không?” Chỉ một câu nói hài hước đã khiến không khí căng thẳng trong phút chốc bị nhấn chìm bởi tiếng cười của mọi người.
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cùng một câu nói nhưng nếu nói bằng giọng điệu hài hước có thể khiến cả đôi bên vui vẻ; cùng một câu chuyện nhưng nếu xử lí khéo léo, mềm mỏng một chút có thể khiến tâm trạng thoải mái hơn. Hài hước cần sự độ lượng, mà độ lượng thì cần một tấm lòng rộng mở, rộng mở thì khí huyết lưu thông, khí huyết lưu thông thì tâm trạng vui vẻ, đó là một phản ứng dây chuyền rất tốt. Như Triệu Phác Sơ từng nói: “Mặt trời mọc ở biển Đông, lặn ở núi Tây, buồn cũng là một ngày, vui cũng là một ngày; gặp chuyện gì cũng không tính toán nhỏ nhen thì con người sống mới thoải mái, trong lòng mới vui vẻ được…”. Đã như thế thì tại sao chúng ta không làm một người hài hước có tâm trạng vui vẻ nhỉ?
Trong xã hội có rất nhiều người thường chờ đợi sự khoan dung của người khác. Thực ra, khoan dung không chỉ mang lại lợi ích cho người được khoan dung, mà bản thân người khoan dung cũng tự giải phóng cho bản thân. Một trái tim khoan dung độ lượng có thể rút gần khoảng cách giữa người với người. Đó cũng là điều kiện cần có để trở thành một người hài hước.
Trong cuộc đời mình, Balzac đã viết vô số tác phẩm nhưng thường đều là kết thúc trong bi kịch. Một đêm, ông đang ngủ say thì kẻ trộm đột nhập vào phòng ông, lục lọi bàn sách.
Balzac bị đánh thức bởi tiếng động, nhưng ông không hét lên mà lặng lẽ ngồi dậy, thắp đèn, bình tĩnh cười nói: “Chàng trai, đừng lục nữa. Ban ngày tôi còn chẳng tìm được tiền trong ngăn kéo, bây giờ tối thế này, cậu tìm làm sao được.”
Sự hài hước thể hiện sự chân thành, rộng lượng và tâm địa hiền lành lương thiện của con người, đồng thời đó cũng là một hành động văn minh được con người sáng tạo ra để ứng phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Nó giống như một cây cầu kéo gần khoảng cách giữa người với người cũng như lấp đầy khoảng trống giữa những tâm hồn. Ngoài ra, nó còn có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy mối quan hệ giao tiếp, là động lực không thể thiếu giúp con người vươn lên đến đỉnh cao của sự nghiệp.
Muốn hình thành một không khí văn hóa xã hội hài hước, cho dù là đối với cá nhân hay xã hội cũng đều phải có sự tự do tương đối. Nếu thiếu nền móng này thì sự hài hước sẽ như cái cây không có rễ. Bởi vậy, hài hước cũng phải thấu tình đạt lí.
Có một lần, rất nhiều người được mời tới nhà một người nổi tiếng trong giới thượng lưu dùng bữa. Nhà người đó rất giàu có, trong phòng khách bày đầy các món đồ mĩ nghệ tinh xảo, món nào cũng rất đáng giá.
Ăn trưa xong, mấy vị khách vừa nói chuyện vừa đi ra ngoài cửa. Lúc này, chủ nhân đột nhiên đi tới trước một vị khách đang chuẩn bị ra về: “Tôi rất vui vì ngài thích các món đồ của tôi”, sau đó thò tay vào túi áo người khách kia, lấy ra một món đồ rất đáng tiền và nói tiếp, “Tôi nhận ra ngài thích món đồ này, hơn nữa còn muốn ngắm nó dưới ánh nắng.”
Tên trộm ăn mặc đường hoàng kia giật mình, chột dạ nhìn xung quanh xem có ai phát hiện ra hành vi của mình không. Còn những người ngồi trong phòng khách tuy rằng tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, nhưng mọi người cũng phối hợp với chủ nhân, giả bộ như không nhận thấy hành vi ăn trộm.
Để vở kịch giống thật hơn, chủ nhân cùng gã trộm bị bắt quả tang còn đứng dưới ánh nắng để ngắm nghía món đồ. Sau đó chủ nhân cầm món đồ trong tay, đi vào phòng và đặt lại vị trí cũ. Còn tên trộm kia đành lặng lẽ lên xe ra về, từ đó không bao giờ còn cơ hội tham dự những bữa tiệc trong giới thượng lưu nữa.
Vị chủ nhân này đã tha cho tên trộm đi và giữ lại thể diện cho hắn, bởi vậy tất cả mọi người có mặt ở đó đều khâm phục ông vô cùng. Ông chính là một cao thủ trong nghệ thuật giao tiếp.
Lùi, thể hiện sự khoan dung. Nếu nói rằng mặt biển vì rộng nên bao la, mặt đất vì rộng nên tràn đầy sức sống, bầu trời vì rộng nên bát ngát, vậy thì con người cũng nên vì rộng lượng mà trở nên cao thượng, bởi những người có phẩm chất cao thượng đều được hoan nghênh và được mọi người tôn kính.
“Lùi vài bước” có thể thúc đẩy tình cảm giữa người với người, đồng thời khiến các mối hợp tác trở nên thuận lợi hơn. Chỉ cần bạn chịu “lùi” thì bạn sẽ dễ dàng bước lên chiếc thang của xã hội, trèo ngày càng cao hơn.
Hài hước là ngôn ngữ của bậc trí giả, hoặc là bạn lựa chọn thái độ mỉm cười và suy nghĩ vấn đề trên góc độ khác, hoặc là lựa chọn lùi lại một bước để khoảng không gian tiếp theo được rộng mở hơn.
5. HIỂU RÕ ”LIỀU LƯỢNG” CỦA HÀI HƯỚC
Tục ngữ nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hài hước cũng tương tự, muốn nói thì phải nói sao cho hợp lí, giữ nguyên tắc: Nắm được “mức độ” cần nói, phân biệt rõ từng trường hợp. Đùa giỡn quá đà sẽ dễ gây chuyện thị phi. Bởi vậy, muốn thể hiện sự hài hước thì cũng phải chú ý tới mức độ.
Hài hước không phải là kĩ năng lòe bịp, mà là biểu hiện của trí tuệ và tình cảm, là một môn khoa học, và cũng là một nghệ thuật.
Nhưng cũng không thể lạm dụng sự hài hước, nếu không sẽ biến sự hài hước của mình thành lố bịch. Một người tự tin, lạc quan có phẩm chất cao thượng, độ lượng sẽ có tính cách hài hước. Ngược lại, một người vô vị, khô khan thì sẽ chỉ khiến người ta ngày càng chán ghét mà thôi.
Nếu không nắm được “liều lượng” của hài hước thì sẽ làm tổn hại tới hình tượng thành thực, trang trọng và đáng tin cậy của mình trong lòng người khác, đồng thời giảm bớt uy tín của bản thân trong mắt họ, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ đôi bên.
Bởi vậy, nói chuyện hài hước cũng cần phải có mức độ. Đừng bới móc hay cười nhạo người khác, cũng đừng nhại lại hành động hay câu nói của họ để chế giễu; đừng lải nhải nói không biết chán, bởi vì ngôn ngữ hài hước cần phải khổ luyện. Đừng chỉ biết trêu đùa, giỡn chơi, như thế bạn chỉ được cái tiếng là “thằng hề” chứ không phải là hài hước.
Hài hước cũng cần phải chọn thời điểm thích hợp. Một khi bạn phát hiện ra sự hài hước này khiến mọi người vui vẻ hoặc khuấy động không khí thì bạn đừng do dự mà hãy thể hiện ra. Nhưng nếu bạn phát hiện không khí xung quanh không thích hợp với sự hài hước thì hãy “biết điều” mà nén mình lại.
Hài hước cũng cần phải chú ý tới đối tượng, hãy phân biệt giới tính, thân phận, địa vị, kinh nghiệm, tố chất văn hóa và tính cách của từng đối tượng khác nhau, không phải ai cũng là đối tượng thích hợp để nói chuyện hài hước.
Thường thì với người quen, đồng hương, bạn học, đồng nghiệp, cấp dưới… có thể đùa giỡn, nói những câu hài hước, thú vị, nhưng cũng không nên đùa quá trớn.
Đối với cấp trên, người nổi tiếng, người lớn tuổi, người lạ, nữ giới, đặc biệt là thiếu nữ, những người có tính cách khép kín, những người bất mãn với công việc hay nơi làm việc thì không nên tùy tiện nói đùa.
Lời nói hài hước phải đúng mức, đùa quá trớn dễ chuyển thành vô duyên, khiến người ta thấy ghét; sự hài hước không phù hợp có khi còn trở thành cuồng ngôn, bị người ta chỉ trích.
Ngoài ra, lời nói hài hước cũng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình. Có câu chuyện như sau:
Hơn 50 năm trước, khi đại văn hào người Anh Bernard Shaw tới thăm Thượng Hải, Lâm Ngữ Đường đã lên thuyền đón tiếp ông.
Lâm Ngữ Đường nói: “Ở đây mấy ngày qua đều có tuyết, hôm nay mới nắng. Ông đúng là may mắn, vừa tới Thượng Hải đã nhìn thấy mặt trời.”
Bernard Shaw nghe thấy thế thì mỉm cười nói: “Là mặt trời may mắn thì đúng hơn, được gặp tôi ở Thượng Hải.”
Câu nói “Là mặt trời may mắn…” từ miệng Bernard Shaw nói ra nên nghe có vẻ hóm hỉnh, khiến người ta vui vẻ. Nhưng nếu đổi lại là người khác, ví dụ như nhân vật Cu D(1) mà đến AQ cũng coi thường, nhất thời cao hứng nói với người ở làng Mùi rằng: “Là mặt trời may mắn, được gặp tôi ở làng Mùi.” thì người dân làng Mùi không cho anh ta một bài học mới lạ.
(1) Cu D: Nhân vật xuất hiện trong tác phẩm AQ chính truyện của nhà văn Lỗ Tấn (ND).
Trong công việc cũng vậy, đặc biệt là ở những nơi thường xảy ra sóng gió như văn phòng làm việc thì càng cần phải chú ý tới nghệ thuật nói đùa, cho dù là một câu nói đùa nhẹ nhàng nhất cũng phải cẩn trọng. Đương nhiên là chẳng ai bắt bạn phải miệng câm như hến cả.
Trong công việc bạn còn cần lưu ý rằng, cấp trên mãi mãi là cấp trên, đừng hi vọng cấp trên sẽ bằng vai phải lứa với bạn. Cho dù trước đây hai người có là bạn học hay bạn thân đi nữa, thì trong công việc cũng đừng tự ý đùa cợt, đặc biệt là khi có mặt người khác.
Bạn tưởng rằng bạn đã rất thân quen với đối phương, có thể tùy tiện chế giễu khuyết điểm của họ. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu không khéo léo thì lời nói đùa của bạn sẽ rất dễ khiến cho đối phương cảm thấy bạn đang cười nhạo họ. Nếu đó lại là một người nhạy cảm thì một câu nói vô tình của bạn cũng có thể khiến người ta nổi giận và tình bạn của hai bạn sẽ gặp sóng gió.
Có những câu nói đùa có thể làm giảm không khí căng thẳng trong công việc; có những lời nói đùa giữa hai người khác giới có thể kéo gần khoảng cách đôi bên. Nhưng hãy nhớ, khi nói đùa không được quá đáng, nhất là không được nói chuyện bậy bạ trước mặt người khác giới, như thế đồng nghĩa với việc hạ thấp nhân cách của bạn trong mắt đối phương.
Hài hước là liều thuốc bổ trong cuộc sống, bởi vì nhờ có sự hài hước, cuộc sống mới trở nên thú vị và sinh động hơn. Thế nhưng trên đời này tiếc thay lại có những người không biết nói đùa, thường khiến cho người nói đùa cảm thấy khó xử, ngượng ngùng.
Việc đùa giỡn giữa những người bạn là không thể tránh khỏi, nhưng nếu để xảy ra hiểu lầm thì không tốt chút nào, bởi vậy khi nói đùa nên chú ý đừng để quá đà. Hãy cùng xem ví dụ dưới đây, chắc chắn bạn sẽ hiểu ý của tôi:
Hai nhà Triệu Hồng và Lí Kiệt vốn không có hiềm khích gì, thậm chí có thể nói là quan hệ khá tốt, mỗi khi gặp gỡ đều cười nói rất vui vẻ.
Một lần, Kiệt đi xe máy không may đâm vào người khác, bị thương ở chân trái, trong một thời gian dài phải đi tập tễnh. Lúc này, Hồng đùa đùa nói với Kiệt rằng: “Hay là đâm nốt chân phải của anh đi, cân bằng rồi sẽ không phải đi tập tễnh nữa”. Người ngoài nghe thấy thế thì bật cười, Kiệt cũng cười.
Một câu nói đùa đơn giản như thế lẽ ra sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng, nếu như Kiệt không bị tai nạn lần thứ hai.
Khoảng ba tháng sau, Kiệt cảm thấy chân trái của mình đã đỡ hơn nhiều, thế là lại đi xe máy ra ngoài chuyển hàng.
Nhưng vì hàng chất quá đầy và nặng, không cẩn thận nên xe trượt bánh trên đường. Chiếc xe đổ về bên phải, hàng hóa trên xe đè lên chân phải của Kiệt. Tai nạn này khiến chân phải của Kiệt bị gãy.
Khoảng thời gian giữa hai lần tai nạn rất gần nhau, thế là có người nhớ lại câu nói đùa của Hồng và kể với vợ Kiệt.
Lúc này, vợ Kiệt đang lo cho chồng, bèn đổ toàn bộ trách nhiệm lần tai nạn này của Kiệt cho câu nguyền rủa của Hồng. Nhưng vì chẳng thể nào bắt Hồng bồi thường, thế nên chị đành biến lửa giận thành lời rủa. Chị đứng trước cửa nhà Hồng mà rủa rằng: “Cả nhà xuống lầu bị ngã gãy cổ, ra đường thì bị cướp…” Tóm lại đều là những lời nguyền rủa độc địa.
Thấy Kiệt bị thương, ban đầu Hồng cũng lo lắng cho bạn, thậm chí còn mua rất nhiều đồ tẩm bổ định mang sang nhà Kiệt. Đồng thời, anh còn định nói mấy câu chúc may mắn với Kiệt. Nhưng Hồng còn chưa tới nhà Kiệt thì đã nghe thấy lời nguyền rủa của vợ Kiệt. Mấy câu nói quá độc ác ấy khiến Hồng nổi giận đùng đùng.
Vốn là người nóng tính nên lúc này, suy nghĩ của Hồng lập tức thay đổi 180 độ. Anh cắt một miếng bìa có chữ “Gửi lại” rồi đưa cho vợ Kiệt: “Những lời nguyền rủa của cô tôi gửi lại hết cho nhà cô.” Vợ Kiệt tức quá mà không làm thế nào được.
Mấy hôm sau, cậu con trai một tuổi của Hồng bị ngã từ trên cầu thang xuống. Hiềm khích giữa hai nhà càng như lửa đổ thêm dầu, xung đột xảy ra liên tiếp. Tình cảm hàng xóm láng giềng hòa thuận trong phút chốc biến mất, đổi lại là những tiếng đánh cãi chửi nhau không ngớt.
Chẳng qua chỉ là một câu nói đùa mà dẫn tới bao nhiêu chuyện không hay, phá hoại nghiêm trọng mối quan hệ hòa thuận trước đó. Bởi vậy, điều này nhắc nhở chúng ta rằng, khi nói đùa hãy giữ mức độ vừa phải và cần chú ý một số điều sau đây:
1. Nói đùa tùy vào đối tượng
Tính cách của mỗi người là khác nhau, có người tính tình cởi mở, rộng lượng, có người thì lại hẹp hòi. Bởi vậy, đối với những người có tính cách khác nhau thì lời nói đùa cũng khác nhau.
Đối với những người có tính tình cởi mở, độ lượng, bạn có thể đùa nhiều hơn một chút, như thế sẽ khiến không khí trở nên sôi nổi hơn; còn với những người nhạy cảm, hẹp hòi thì nên hạn chế nói đùa. Đối với phụ nữ, nói đùa cần phải đúng mực; đối với người già, khi nói đùa càng phải chú ý tôn trọng đối phương.
Tóm lại, khi nói đùa, hãy nhớ mục đích là giúp không khí thoải mái, vui vẻ hơn mà không làm tổn hại tới lòng tự tôn của đối phương.
2. Quan sát tâm trạng của đối phương
Cùng một người nhưng trong các tình huống khác nhau sẽ có tâm trạng khác nhau. Khi tâm trạng của đối tượng không tốt, cần được an ủi và giúp đỡ thì bạn đừng đùa cợt, bởi vì nếu không cẩn thận, đối phương sẽ cho rằng bạn đang chế giễu sự đau khổ của họ.
Nói đùa cần chọn khi tâm trạng mọi người dễ chịu, thoải mái, hoặc khi đối phương vì một việc nhà mà không vui, bạn có thể thông qua lời nói đùa để giúp cho tâm trạng của đối phương tốt hơn.
3. Nội dung nói đùa phải lành mạnh, tao nhã
Tuyệt đối không được lấy khiếm khuyết của người khác ra đùa cợt, lấy nỗi đau khổ của người khác làm niềm vui cho mình. Đồng thời, cũng tránh nói những chuyện dung tục, thô thiển.
Lời nói đùa phải có tri thức và thú vị, khiến mọi người học thêm được kiến thức mới, từ đó đạt được hiệu quả tích cực.
Tuy rằng hài hước cần hiểu rõ đâu là giới hạn, nhưng trong cuộc sống, giả sử gặp phải một người không biết điều thì nên đối phó như thế nào? Bạn có thể dùng sự hài hước để “hóa giải” điều đó, như thế có thể sẽ khiến bạn trở thành người có lí hơn.
Hãy đọc vài ví dụ dưới đây để xem họ đối phó với những người nói chuyện không biết điểm dừng như thế nào:
1. Một người mù khi lên xe bus, vô tình giẫm vào giày của một cô gái trẻ, cô gái quay đầu lại chửi: “Anh bị mù à?”
Người mù đó nói: “Tôi là người mù mà, mắt cô cũng mù à?”
Cô gái đó xấu hổ quá, không biết giấu mặt vào đâu cho đỡ ngượng.
2. Có một lần, tôi cùng một người bạn cụt tay trái vào nhà hàng dùng bữa, anh ta không cẩn thận làm thức ăn rơi xuống đất, bèn vội vàng gọi người phục vụ tới dọn.
Người phục vụ bực mình nói: “Không thấy tôi đang bận sao? Ông không có tay à?”
Tôi nghĩ, chết rồi, cãi nhau to rồi. Ai ngờ bạn tôi bình tĩnh đáp: “Tôi mà có một cánh tay thì đã chẳng phải phiền đến anh.”
Người phục vụ đó nhìn cái tay áo phất phơ của bạn tôi, bèn vội vàng tới lau nhà.
3. Trên xe bus, một cô gái ngồi cạnh một người lùn.
Cô tò mò hỏi: “Anh lùn thế có lấy vợ được không?”
Người lùn đó biết cô gái đang nghi ngờ điều gì, bèn ung dung trả lời: “Người lùn chúng tôi ngắn tay ngắn chân chứ những chỗ khác không ngắn.”
Cả xe cười nghiêng ngả…
Qua những ví dụ kể trên, chúng ta có thể hiểu rõ hài hước có thể hóa giải rất nhiều những bối rối trong cuộc sống. Nhưng hãy ghi nhớ mấy điều sau đây:
1. Khi nói đùa với người lớn tuổi hay ít tuổi hơn, không nên quá trớn
Đặc biệt là không nên nói những chuyện nam nữ, mấy thế hệ cùng nói đùa với nhau thì nên chọn những câu chuyện tao nhã, hài hước, giúp không khí xung quanh thêm đầm ấm, hòa thuận. Còn khi những người cùng lứa đang đùa giỡn về những chuyện nam nữ, bản thân mình là người lớn tuổi hơn hoặc nhỏ tuổi hơn cũng có mặt thì tốt nhất là không nên tham dự, chỉ lặng yên lắng nghe.
2. Khi đùa với người tàn tật cần tế nhị
Chẳng ai muốn người khác lôi khuyết điểm của mình ra giễu cợt, đặc biệt là người tàn tật. Người xưa có câu: “Đừng nói chuyện ánh sáng với người mù”. Bạn nên biết rằng, con người chẳng có ai là thập toàn thập mĩ, khiếm khuyết của người khác không phải là trò đùa của bạn. Những lời nói đùa như thế sẽ làm tổn thương nghiêm trọng tới đối phương, gây ra hậu quả khó lường.
3. Khi ở riêng với bạn khác giới, không nên nói đùa
Cho dù là nói đùa ý nhị thì cũng thường gây phản cảm cho đối phương, hoặc khiến người khác suy đoán thị phi, bởi vậy nên chú ý giữ gìn khoảng cách. Đương nhiên, trong một số trường hợp nhất định cũng không cần phải nghiêm túc quá.
Sự hài hước giữa hai người khác giới nên có một giới hạn nhất định, những câu chuyện vô nghĩa không những không thể kéo gần khoảng cách giữa đôi bên, mà ngược lại còn hạ thấp nhân cách của bản thân, dễ khiến đối phương cho rằng bạn là người dung tục.
4. Không đùa cợt khi người khác đang tiếp khách
Khi người khác đã có chủ đề nói chuyện chung và đang có được không khí hòa thuận, nếu lúc này bạn đột nhiên chen ngang vào nói đùa với bạn bè để thu hút sự chú ý của mọi người cũng như làm ngắt chủ đề chuyện trò của họ, phá hoại hứng thú nói chuyện, thì bạn bè sẽ cho rằng bạn đang khiến họ mất mặt.
5. Không sa sầm mặt khi đùa với người khác
Cảnh giới cao nhất của sự hài hước là người nói đùa không cười nhưng lại khiến người nghe cười nghiêng ngả. Tuy vậy, chúng ta không phải là các danh hài, thế nên rất khó làm được điều này. Bởi vậy, bạn đừng mặt mũi sầm sì khi nói đùa với người khác để tránh bị họ hiểu lầm.
6. Đừng suốt ngày nói đùa với đồng nghiệp
Nói đùa cần phải nắm được giới hạn, không thể lúc nào cũng đùa cợt. Nếu cứ như vậy trong một thời gian dài, dần dần trước mặt đồng nghiệp, bạn sẽ không còn giữ được hình tượng nghiêm túc, các đồng nghiệp cũng sẽ mất dần sự tôn trọng đối với bạn. Hơn nữa, trước mặt cấp trên, bạn dễ bị cho là người không nghiêm túc đứng đắn, khiến cấp trên không dám đặt niềm tin cũng như giao trọng trách cho bạn. Làm như thế đúng là lợi bất cập hại.
7. Đừng cho rằng trêu chọc người khác chỉ là đùa vui
Trêu chọc người khác là thể hiện sự không tôn trọng đối với họ, dễ khiến họ tưởng rằng bạn có ác ý, hơn nữa sau đó sẽ rất khó giải thích rõ ràng.
Trêu chọc không nằm trong phạm trù đùa vui, bởi vậy không được buông lời một cách tùy tiện. Trường hợp nhẹ thì chỉ làm tổn thương tới tình cảm của bạn với đồng nghiệp, nặng thì có thể còn ảnh hưởng tới “bát cơm” của bạn. Hãy nhớ “giữ mồm giữ miệng”, họa từ miệng mà ra! Đừng để sau này mới hối hận thì không còn kịp nữa.
8. Có thiện ý
Có thiện ý với người khác là một nguyên tắc quan trọng trong nói đùa. Quá trình nói đùa thực ra là quá trình giao lưu tình cảm với nhau, nếu mượn câu nói đùa để đả kích, châm biếm người khác, bộc lộ cảm xúc bất mãn của bản thân thì người khác sẽ dễ dàng nhận ra.
Có thể có những người không mau mồm mau miệng, ngoài mặt có vẻ như bạn chiếm ưu thế so với họ, nhưng “sự lấn lướt” của bạn dễ khiến người khác nghĩ rằng bạn không tôn trọng họ, bởi vậy họ sẽ dè chừng trong mối quan hệ với bạn.
9. Chú ý hành vi khi nói đùa
Ngoài việc sử dụng ngôn ngữ, có lúc người ta còn thông qua các hành vi, động tác để chọc cười người khác.
Thông thường, hậu bối không nên đùa giỡn với tiền bối, cấp dưới không nên đùa giỡn với cấp trên, nam giới không nên đùa giỡn với nữ giới. Khi những người bạn cùng lứa đùa giỡn với nhau, nên nắm bắt đặc trưng tính cách và tâm trạng của đối phương để lựa chọn hình thức hài hước phù hợp.
Hãy cẩn trọng với lời nói đùa của mình, cho dù là về tâm trạng, ngôn ngữ hay hành động cũng đều nên “nháp” trước trong đầu, nếu không rất có thể bạn sẽ bắt đầu bằng lời nói đùa và kết thúc bằng “chiến tranh”. Việc đùa cần phải có mức độ, nếu không sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “quá mù ra mưa” như chúng ta thường nói.
Có một cặp vợ chồng son, cả ngày luôn quấn quýt, đùa giỡn nhau rất vui vẻ. Một hôm, người chồng chĩa khẩu súng vào mặt vợ, nói: “Đứng yên, nếu nhúc nhích ta sẽ bắn ngươi!” Nói rồi vô thức bấm cò, khiến cho người vợ bị trọng thương. Đây là minh chứng rõ ràng cho nguyên tắc: Đùa giỡn không được quá đà.
Tóm lại, hãy biết thể hiện sự hài hước của mình một cách chừng mực, chứ đừng chỉ biết châm biếm, đả kích hay bới móc vào khuyết điểm của người khác, như thế chỉ làm tổn thương họ mà thôi. Đó là những điều rất quan trọng, nếu vận dụng tốt, bạn sẽ thấy rằng hài hước không chỉ mang lại cho bạn một tâm trạng vui vẻ, thoải mái mà còn khiến tình cảm giữa người với người càng thêm bền vững.
6. TÔN TRỌNG LÀ TIỀN ĐỀ CỦA HÀI HƯỚC
Thường ngày, bạn bè đùa giỡn nhau để giảm bớt áp lực của cuộc sống là một việc rất bình thường, nhưng nếu khi nói đùa không biết tôn trọng đối phương thì sẽ có thể làm tổn thương hòa khí giữa đôi bên.
Hài hước phải được đặt trên tiền đề là sự tôn trọng lẫn nhau chứ không phải là đùa một cách tùy tiện, nó là biểu hiện của một loại tri thức, thú vui, tư tưởng, trí tuệ, khi đã xác định được mức độ phù hợp thì sẽ giúp lời nói đùa đạt được hiệu quả cao nhất.
Sự tôn trọng đối với người khác được thể hiện qua việc giao tiếp với họ trên cơ sở bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, không tỏ ra “trên cơ”, trịch thượng.
Nếu bạn không tôn trọng người khác thì cũng đừng mong sẽ nhận được sự tôn trọng của họ, ít nhất là người ta sẽ không muốn giao tiếp với bạn, mà bản thân bạn cũng không vui vì bị cô lập. Có một ví dụ rất thực tế trong cuộc sống như sau:
Ở làng nọ, có hai người nông dân, một người tên Lân, người còn lại tên Vương. Một hôm, Lân làm đồng xong, chẳng có việc gì để làm, bèn sang nhà Vương uống rượu. Hai người đang uống rượu rất vui vẻ, đột nhiên Lân làm ra vẻ úp mở, nói với Vương: “Vợ anh ngoại tình đấy, thế mà anh chẳng biết gì cả.”
Vương nghe vậy, bèn uống liền tù tì hai chén rượu rồi vào bếp lấy một con dao phay, sa sầm mặt hỏi Lân chuyện đó là thật hay giả.
Lân thấy Vương giận thật thì vội vàng giải thích: “Tôi chỉ đùa với anh thôi, đừng tưởng thật.”
Vương nghe thấy thế liền quát lớn: “Ai đùa như thế bao giờ, thế chẳng phải là sỉ nhục nhân cách của người khác sao?” Nói rồi cầm con dao chém cho Lân một nhát.
Vì sự việc xảy ra quá bất ngờ nên Lân không kịp tránh, bị con dao chém đúng vào phần thắt lưng. Những người hàng xóm nghe tiếng chạy đến kéo họ ra, đưa Lân vào bệnh viện, Vương cũng phải bồi thường cho Lân một khoản viện phí rất lớn.
Bởi vậy, nói đùa không nên quá trớn, những câu bông đùa phải trên cơ sở tôn trọng người khác thì mới nhận được sự đồng tình cũng như đạt được hiệu quả hài hước.
Mục đích ban đầu của hài hước vốn là muốn làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ, nhưng không có nghĩa là lấy khiếm khuyết của người khác ra làm trò đùa – Đó là bài học mà Tuấn đã rút ra được khi trò chuyện với bạn bè.
Tuấn thường đùa giỡn với mấy người bạn, trong đó có một người tuy tuổi tác không chênh nhau là mấy, nhưng ngoại hình anh ta lại có vẻ “già” hơn cả bọn khá nhiều, hay nói dễ nghe một chút thì có thể dùng từ “chững chạc” để mô tả về anh bạn này.
Mấy người họ đều là những người trẻ tuổi, bởi vậy đề tài của họ thường xoay quanh mấy chuyện yêu đương, ví dụ: “Này, có mục tiêu chưa?”, “Hôm nay hai người có hoạt động gì không?”…
Nhưng khi người bạn có vẻ ngoài hơi “chững chạc” ấy tham gia thì cả mấy người đều hùa vào trêu chọc: “Này, ‘chú’ đừng tham gia với bọn ‘cháu’ nữa, về nhà mà bế con đi. Ha ha…”
Người bạn đó nghe thấy vậy bèn nói: “Làm ơn đừng có đem khiếm khuyết bề ngoài của người khác ra mà đùa cợt như thế, chẳng hay hớm gì đâu, hiểu chưa?” Tuấn để ý thấy người bạn đó có vẻ không vui.
Qua chuyện trên có thể thấy, khi nói những lời hài hước, đừng đem những khiếm khuyết của người khác ra giễu cợt, bởi mỗi người đều có khiếm khuyết riêng. Ai cũng có lòng tự tôn, nó sẽ bị tổn thương khi người khác nhằm vào điểm yếu để giễu cợt.
Khi lòng tự trọng bị tổn thương, mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau. Có người vì không muốn chịu thua mà cố gắng phấn đấu để cho người khác thấy rằng mình không thua kém ai; có người thì lại phản ứng theo hướng tiêu cực, từng bước đi tới thất bại, đồng thời cũng vô tình làm tổn thương tình cảm bạn bè.
Trong cuộc sống, thực ra ai cũng đều có những bí mật, những chuyện riêng tư không muốn người khác biết. Cho dù mối quan hệ tốt tới đâu đi nữa, bạn cũng không nên đem bí mật của ai đó công bố cho mọi người biết, càng không được coi đó là “nguyên liệu” để gây cười. Bạn hãy nhớ kĩ chân lí: “Họa từ miệng mà ra”, chuyện gì nên nói, chuyện gì không nên nói đều phải cân nhắc kĩ trong đầu.
Ông chủ một quán trà nọ lấy vợ được hai tháng thì sinh con, hàng xóm đều tới chúc mừng. Lúc này, một người bạn thân của ông chủ tên là Lâm cũng tới, mang theo cả món quà cho đứa bé là giấy và bút.
Ông chủ cảm ơn rồi ngạc nhiên hỏi: “Lâm, mang giấy và bút tặng cho đứa trẻ mới sinh có sớm quá không?”.
“Không”, Lâm nói, “Con cậu nóng tính quá. Lẽ ra phải 9 tháng sau mới được ra đời, vậy mà mới có 2 tháng nó đã đòi ra. Thêm 5 tháng nữa chắc chắn nó sẽ đòi đi học, bởi vậy tôi phải chuẩn bị giấy và bút cho nó trước.”
Lâm vừa dứt lời thì mọi người liền bật cười, còn vợ chồng gia chủ thì thẹn quá, chẳng biết giấu mặt đi đâu.
Lấy bí mật của người khác ra để cười cợt là không nên. Trong ví dụ trên, Lâm đã nói thẳng ra rằng vợ chồng ông chủ quán trà “ăn cơm trước kẻng”, khiến mọi người đều ở vào tình huống khó xử.
Bởi vậy, nếu lấy bí mật của người khác ra để trêu đùa thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng tuy người nói vô ý nhưng người nghe lại để bụng. Họ sẽ cho rằng bạn cố tình làm bẽ mặt họ, từ đó khiến nảy sinh thù hận không đáng có giữa đôi bên.
Trên tiền đề tôn trọng đối phương, chúng ta có thể phát hiện và sáng tạo thêm nhiều sự hài hước, từ đó xua tan nỗi buồn trong cuộc sống và những bối rối trong giao tiếp, để tiếng cười luôn song hành cùng ta suốt cuộc đời!
7. CÓ MỘT TRÁI TIM NGÂY THƠ, HỒN NHIÊN
Hài hước – nói cách khác chính là “thích đùa”, nhưng không ai bẩm sinh đã biết đùa, vậy rốt cuộc hài hước từ đâu mà có?
Trong cuộc sống, để có thể hài hước thực ra rất đơn giản, chỉ cần bạn có một trái tim hồn nhiên, ngây thơ. Có câu chuyện như sau:
Một đứa trẻ hỏi người bán vé: “Cô ơi, bao nhiêu tiền một vé xem phim ạ?”
Nhân viên bán vé: “60 nghìn cháu ạ.”
Đứa trẻ nói: “Cô ơi, cháu chỉ có 30 nghìn . Cô cho cháu vào đi, cháu chỉ xem bằng một mắt thôi được không ạ?”
Lời nói hài hước và ngây thơ của đứa trẻ đã khiến cô nhân viên bán vé bật cười mà cho nó vào xem.
Bạn thấy đó, trẻ em nói chuyện một cách ngây thơ, hồn nhiên, không giả bộ, bởi vậy luôn khiến mọi người yêu quý. Hay nói cách khác, “trái tim hồn nhiên” cũng đồng nghĩa với “sự thân thiện”, một người thân thiện sẽ khiến người khác cảm thấy gần gũi, không còn cảm giác xa lạ, từ đó trở nên thân thiết hơn.
Gia đình nọ muốn chuyển vào thành phố sinh sống, bèn đi tìm nhà ở khắp nơi. Cả nhà họ có ba người, gồm hai vợ chồng và đứa con năm tuổi.
Khó khăn lắm mới tìm được một căn nhà cho thuê, họ gõ cửa, thận trọng hỏi: “Ông có thể cho chúng tôi thuê nhà được không?”
Chủ nhà nuối tiếc nói: “Ôi, thật xin lỗi, chúng tôi không muốn cho nhà có trẻ con thuê.”
Hai vợ chồng nghe thấy thế, bối rối không biết làm thế nào.
Đứa con năm tuổi của họ quay lại gõ cửa nhà chủ, dõng dạc nói: “Thưa bác, cháu xin thuê căn nhà này, cháu không có con, chỉ có hai người già.”
Ông chủ nhà bật cười lớn, thế là đứa bé thuê được nhà.
Trong cuộc sống, mỗi người đều hi vọng khi giao tiếp với người khác có thể thể hiện được trí tuệ và sự hài hước của mình. Nhưng rất nhiều người vì thiếu mất sự hồn nhiên, ngây thơ nên không bộc lộ được sự hài hước này.
Có một nữ hướng dẫn viên du lịch, tính tình có phần hướng nội, bình thường khi đưa khách đi du lịch, cô thường ít nói vì không biết kể chuyện cười cho khách để làm không khí náo nhiệt hơn. Có lần, một vị khách đùa với cô, người này hiển nhiên là không có ác ý, nhưng cô lại không biết hài hước, tỏ ra căng thẳng vô cùng, biểu cảm không tự nhiên khiến đối phương cũng bối rối, làm không khí vui vẻ ban đầu biến mất.
Giám đốc nhân sự của một doanh nghiệp nọ, công việc khiến anh thường xuyên phải giao tiếp với người khác, nhưng bản tính anh vốn nghiêm túc, không thích đùa. Có lần, bộ phận anh tổ chức họp nội bộ, cấp dưới kể một câu chuyện cười vì muốn không khí sôi nổi hơn một chút, nhưng sự nghiêm túc, thiếu hài hước của anh khiến mọi người muốn cười mà không dám cười. Dần dần, mọi người đều cho rằng anh là người cao ngạo, không thân thiện. Những điều này đều khiến anh rất phiền muộn và cảm thấy áp lực nặng nề.
Trong cuộc sống, không phải tất cả mọi người đều có thể dễ dàng nói đùa, chẳng ai sinh ra đã hài hước bẩm sinh. Hài hước cần có kĩ năng nhất định, kĩ năng ấy phải dần dần mới rèn luyện được.
Cũng như cô hướng dẫn viên du lịch và người giám đốc nhân sự trong ví dụ trên, ai cũng hi vọng mình trở thành một người hài hước, nhưng thứ họ thiếu là sự hồn nhiên.
Có một lần Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Đài Loan, phong thái ung dung tự tại, hóm hỉnh của ông lôi cuốn tất thảy cử tọa. Một phóng viên phỏng vấn Lạt Ma: “Bạch ngài, có phải trong Phật giáo có lệ là không được ăn khi đã quá giờ Ngọ đúng không ạ?”
Đạt Lai Lạt Ma đáp: “Đúng vậy!”
Phóng viên nọ lại hỏi tiếp: “Nhưng khi ấy đói bụng quá thì phải làm thế nào?”
Lạt Ma đáp: “Thì vào bếp ăn vụng thôi!”
Có sự hồn nhiên thì mới có thể trở thành một người hài hước trong cuộc sống. Lincoln là vị Tổng thống hài hước nhất trong số các Tổng thống của Mĩ. Hơn nữa, có những lúc ông còn tự trào rằng, điều này có mối liên hệ mật thiết với trái tim hồn nhiên, ngây thơ của ông. Những lời đùa giỡn của Lincoln hoàn toàn không có ác ý, hơn nữa còn rất đáng yêu.
Ví dụ, có lần Lincoln đùa với Bộ trưởng Bộ Tư pháp rằng: “Ông biết vì sao râu ông trắng hết mà tóc lại chỉ hoa râm không?”.
“Vì sao?” – Bộ trưởng tò mò hỏi.
“Bởi vì ông dùng cằm nhiều hơn dùng đầu!” – Lincoln bật cười, Bộ trưởng cũng bật cười.
Grant và Hillman là hai vị tướng lĩnh kiệt xuất của liên quân, một lần Lincoln gặp mặt hai người họ, đột nhiên ông hỏi Hillman: “Ông có biết vì sao tôi đối xử với ông và tướng quân Grant khác với mọi người không?”.
Hillman giật mình trước câu hỏi của Tổng thống, vội vàng đáp: “Tôi không biết.”
“Bởi vì hai người các ông không bao giờ gây phiền phức cho tôi.” Câu trả lời của Lincoln khiến cả ba người bật cười vui vẻ. Lời nói của Lincoln vô cùng thật thà, nhưng lại hàm chứa triết lí rất sâu xa.
Khi Lincoln còn ở Nhà Trắng, ông thường nhận được thư đe dọa. Có một hôm, người bạn hỏi ông nghĩ gì về việc này. Lincoln trả lời rằng, tuần nào ông cũng nhận được thư đe dọa, nên chẳng còn bực mình vì điều đó nữa rồi. Nhìn dáng vẻ kinh ngạc của bạn, ông bổ sung thêm: “Chẳng còn việc gì tốt hơn việc quen với những điều này nữa!”.
Câu nói đùa nổi tiếng nhất của Lincoln là: “Bạn có thể dùng toàn bộ thời gian để trêu chọc một người nào đó, hoặc dùng một chút thời gian để trêu chọc tất cả mọi người, nhưng bạn không thể dùng toàn bộ thời gian để trêu chọc tất cả mọi người.”
Một trái tim hồn nhiên, trong sáng không chỉ ấm áp mà còn chân thành. Bởi vì có chân thành thì mới làm nên sự hài hước. Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ – Stevenson trong suốt thời gian tranh cử, để giành được thiện cảm của nhân dân, ông đã tỏ ra rất coi trọng trẻ em. Khi diễn thuyết, ông thường hỏi: “Xin hỏi, có ai muốn làm ứng cử viên Tổng thống, hãy giơ tay?” Mọi đứa trẻ có mặt ở đó đều giơ tay lên.
Sau đó, ông lại hỏi: “Xin hỏi các bạn trẻ, trong số các ứng cử viên Tổng thống, ai là người muốn làm trẻ con nhất?” Nói xong, ông lập tức giơ tay, khiến các bậc phụ huynh có mặt ở đó đều bật cười nghiêng ngả. Tuy rằng cả hai lần tranh cử Tổng thống, Stevenson đều thất bại dưới tay của Eisenhower, nhưng sự hồn nhiên của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Mĩ.
Hài hước là ngôn ngữ của một trái tim ngây thơ, trong sáng. Không phải tất cả mọi người đều hài hước, nhưng chỉ cần bạn có sự hồn nhiên, ngây thơ như những đứa trẻ thì cũng đã đủ để làm một người hài hước rồi đó.
8. NÓI MỘT CÁCH UYỂN CHUYỂN, TẾ NHỊ
Nói chuyện hàm súc là một nghệ thuật, cũng là một kĩ năng của hài hước. Biểu đạt sự hài hước một cách tế nhị là không nói trực tiếp vào điều quan trọng mà mình muốn nói, nhưng lại khiến tất cả mọi người hiểu được ý của mình, hơn nữa còn thấy vui vẻ với câu chuyện đó.
Lincoln là một người nổi tiếng hài hước, những câu nói của ông không những không hề dung tục mà còn thể hiện một trí tuệ nhạy bén.
Lincoln thường xuyên khéo léo giễu cợt tướng mạo của mình. Có một lần, ông tham dự cuộc họp và được mời phát biểu, vì không tiện từ chối, nên ông kể một câu chuyện:
Một hôm, ông gặp một vị phu nhân, bà ta quan sát ông một hồi lâu rồi nói: “Thưa ngài, ngài là người đàn ông xấu xí nhất tôi từng gặp.”
Lincoln đáp: “Thưa phu nhân, tôi cũng chẳng còn cách nào khác, bà có góp ý gì không?”
Vị phu nhân đó nghĩ một lúc rồi nói: “Thế thì ông ở nhà cũng được.”
Sau khi kể xong câu chuyện đó, Lincoln bèn ngồi xuống, mọi người ngỡ ngàng một lát, rồi sau đó vỗ tay nhiệt liệt vì câu trả lời thông minh của ông.
Có thể thấy, đôi khi sự hài hước cần đi kèm với sự khéo léo, tế nhị để biểu đạt điều mình muốn nói.
Một thương nhân khi gặp nhà thơ Heine (Heine là người Do Thái) đã nói với ông: “Tôi mới tới đảo Tahiti, ông biết điều gì ở trên đảo thu hút sự chú ý của tôi nhất không?”
Heine nói: “Là gì vậy?”
Ông kia đáp: “Trên hòn đảo đó không có người Do Thái, mà cũng chẳng có lừa.”
Heine bèn trả lời: “Thế thì hay quá, nếu chúng ta cùng tới đảo Tahiti thì sẽ bù đắp được thiếu sót đó rồi.”
Ở đây, người thương nhân đã gộp chung “người Do Thái” với “lừa”, hiển nhiên là muốn chửi “Người Do Thái cũng như bọn lừa, không thể đến được hòn đảo đó”. Còn Heine thì nhận ra ý sỉ nhục của đối phương, khi trả lời cũng ám chỉ rằng gã thương nhân đó giống như một con lừa, khiến hắn phải ngậm miệng. Cách nói của Heine cũng giúp ông tránh được sự xung đột chính diện giữa hai người.
Cuộc sống không thể thiếu sự hài hước, bởi chỉ có sự hài hước mới khiến con người vui vẻ tiếp nhận sự an ủi hay phê bình.
Có một thanh niên muốn học nghệ thuật diễn thuyết của Socrates, để thể hiện tài năng của mình, anh ta nói thao thao bất tuyệt. Socrates không trực tiếp phê bình sự nông nổi và bồng bột ấy, trái lại còn tỏ ý sẵn sàng nhận anh ta làm học sinh, nhưng lại thu học phí gấp đôi.
Người thanh niên đó ngỡ ngàng: “Vì sao lại thu học phí của tôi gấp đôi?”
Socrates nghiêm túc nói: “Ngoài việc dạy cho cậu diễn thuyết thế nào, tôi còn phải dạy cho cậu một môn khác – làm thế nào để ngậm miệng.”
Một triết gia từng nói: “Hài hước là sự thâm thúy nhẹ nhàng, nở một nụ cười bỡn cợt trước những nông cạn của đời”. Nếu ngẫm cho kĩ thì câu này thật là có lí.
Hài hước là dầu bôi trơn cho các mối quan hệ giao tiếp. Có những lúc, việc vận dụng sự hài hước một cách uyển chuyển, tế nhị để biểu đạt sự bất mãn đối với đối phương cũng là một giải pháp không tồi. Có câu chuyện hài hước như sau:
Một người phụ nữ khó tính gọi một suất trứng rán trong nhà hàng. Cô nói với một nữ phục vụ: “Lòng trắng phải chín kĩ nhưng lòng đỏ thì phải sống, vẫn còn sóng sánh. Đừng dùng quá nhiều mỡ, cho ít muối, thêm một chút tiêu. Còn nữa, phải dùng trứng tươi được đẻ bởi một con gà mái sống vui vẻ ở quê.”
“Xin hỏi”, người phục vụ dịu dàng nói, “Tên của con gà mẹ đó là Jane, có được không ạ?”
Trong câu chuyện hài hước trên, người phục vụ đã sử dụng một kĩ năng nhắc nhở rất uyển chuyển, khéo léo, đó là dùng một vấn đề còn hoang đường và nực cười hơn cả yêu cầu của đối phương để nhắc nhở đối phương rằng: Yêu cầu của bà thật quá quắt, chúng tôi không thể đáp ứng được, từ đó gián tiếp biểu đạt một cách hài hước sự bất mãn của mình.
Trong quan hệ giao tiếp, vì nhiều nguyên nhân mà có những lúc chúng ta phải “đụng chạm” đến người khác, nếu xử lí việc này không thỏa đáng thì sẽ rất dễ đắc tội với người khác.
Thông thường, bên chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận không nên nói điều gì quá đáng, cho dù đối phương có sai thật đi chăng nữa thì tốt nhất vẫn nên dùng cách nói đôi bên cùng hiểu để đối phương nhận ra cái sai của mình, kết thúc một cuộc tranh luận vô nghĩa.
Một vị khách dùng cơm trong nhà hàng, khi phát hiện ra trong canh có ruồi thì vô cùng giận dữ.
Đầu tiên anh chất vấn nhân viên phục vụ, nhưng đối phương chẳng đếm xỉa gì đến anh. Anh bèn đích thân tìm ông chủ nhà hàng để phản đối: “Xin hỏi bát canh này là để cho con ruồi ăn, hay để cho tôi ăn?”
Ông chủ liền quay sang mắng nhân viên phục vụ, hoàn toàn không để ý gì tới vị khách đang đứng bên. Thế là khách đành nhắc khéo ông chủ: “Xin lỗi, xin ông nói cho tôi biết, tôi nên làm thế nào để tố cáo hành vi xâm phạm chủ quyền của con ruồi này đây?”
Lúc này ông chủ mới ý thức được lỗi sai của mình, vội vàng đổi bát canh khác và xin lỗi khách: “Ngài là vị khách đáng quý nhất của chúng tôi.”
Rõ ràng trong chuyện này, vị khách chiếm thế thượng phong, nhưng anh đã không hề tranh cãi căng thẳng với ông chủ mà dùng lời nói để ám thị đối phương rằng: “Chỉ cần xin lỗi thì tôi sẽ tha thứ cho anh”. Cách xử trí này vừa rất hài hước, lại vừa có thể hóa giải được sự căng thẳng giữa đôi bên.
Trong cuộc sống, có những người cần nhờ vả người khác, nhưng vì nhiều nguyên nhân nên không tiện mở miệng, thích dùng cách nói bóng gió để “dò ý”. Lúc này, tốt nhất bạn cũng nên thông qua cách nói bóng gió để từ chối.
Có hai người ở nông thôn ra thành phố, tìm đến một người đồng hương tên là Lí để kể lể nỗi khó khăn, vất vả trong công việc và cuộc sống của mình, rồi lại nói mình chẳng có tiền vào ở khách sạn, ở nhà trọ thì bẩn thỉu, ý họ là muốn ở nhờ nhà Lí.
Lí nghe xong bèn lập tức nói khéo: “Vâng, ở thành phố không như ở quê chúng ta, nhà ở chật chội lắm. Ngay như nhà tôi đây này, nhà bé như cái mắt muỗi mà cả ba thế hệ cùng chung sống. Buổi tối, con trai tôi đã học cấp ba mà còn phải ngủ ở sofa. Các anh ở xa tới thăm tôi, lẽ ra phải giữ các anh lại chơi dăm ba hôm mới phải, nhưng thực tình lực bất tòng tâm, chẳng biết làm thế nào.”
Hai người đó nghe thấy vậy thì biết ý cáo từ.
Một vấn đề vốn rất tế nhị, nhưng vì người nói thông minh nên đã trả lời một cách khôn khéo, giúp cả chủ cả khách tránh bị khó xử. Xin được nêu một ví dụ khác để có thể giúp bạn hiểu rõ hơn cách vận dụng nghệ thuật hài hước.
Ông chủ nhà hàng Pháp nọ tính tình vô cùng nóng nảy.
Một hôm, một vị khách tới nhà hàng dùng cơm, vừa ăn một miếng đã vội kêu lên: “Đắng quá, đắng quá!”
Ông chủ nổi giận, chẳng cần biết đầu cua tai nheo gì, trói ngay vị khách đó lại.
Lúc này, có một vị khách khác vừa tới nhà hàng, thấy vậy bèn hỏi ông chủ vì sao lại trói người kia. Ông chủ trả lời rằng: “Thức ăn của tiệm chúng tôi rõ ràng là rất ngon lành, vậy mà gã đó lại kêu là đắng, anh nói xem có nên trói lại không?”
Người khách đó nói: “Có thể cho tôi nếm thử không?”
Ông chủ lập tức mang dao nĩa tới. Người này nếm một miếng, rồi nói với ông chủ: “Ông thả người này ra, trói tôi vào đi.”
Người khách thứ hai đã rất thông minh khi vận dụng cách biểu đạt khéo léo, hài hước để thể hiện rằng thức ăn của ông chủ nhà hàng đúng là có vấn đề.
Biểu đạt khéo léo, tế nhị là một nghệ thuật làm nên sự hài hước. Mấu chốt của việc vận dụng kĩ năng này là sử dụng cách nói nửa thật nửa đùa, vừa khúc triết vừa gián tiếp, đồng thời có tính giả định cao để bày tỏ ý kiến một cách uyển chuyển, mà vẫn khiến đối phương lĩnh ngộ được ý tứ của bạn.
Faraday là người đặt nền móng cho điện từ học cận đại, các phát minh, ứng dụng điện từ của ông đã mở ra cho nhân loại một tương lai đầy hứa hẹn. Nhưng trước khi phát minh ra đèn điện, điện thoại, động cơ điện, vẫn còn rất nhiều người hoài nghi về tác dụng của điện.
Có một lần, sau khi Faraday diễn giảng xong một loạt các lí thuyết về cảm ứng điện từ, thì có một người phụ nữ quý phái cố tình bới móc ông: “Thưa giáo sư, thứ mà ông đang nói tới có tác dụng gì vậy?”
Faraday điềm tĩnh trả lời: “Thưa phu nhân, bà có dự đoán trước được đứa trẻ vừa ra đời có vai trò gì không?”
Sự hài hước đúng lúc sẽ giúp ta tránh được những xung đột trực diện; hơn nữa, việc áp dụng thái độ tích cực, tâm trạng lạc quan sẽ cứu vãn được một tình huống khó xử.
Nếu Faraday trả lời trực tiếp vào câu hỏi, chưa chắc ông đã được thừa nhận và thông cảm; còn nếu đối kháng trực tiếp, có thể sẽ gây ra lòng thù hận, khiến sự giao tiếp bị đứt đoạn; trường hợp ông trốn tránh vấn đề thì lí thuyết của ông sẽ không bao giờ được mọi người chấp nhận.
Nhưng ông đã dùng một phương thức tư duy rất hài hước để thu phục đối phương, để đối phương nhìn nhận hiện thực trước mắt bằng cái nhìn khoan dung, cởi mở; đồng thời cũng để tăng thêm dũng khí và sự tự tin cho bản thân.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Thủ tướng Anh Churchill có chuyến viếng thăm Mĩ, khi phóng viên hỏi ông có ấn tượng gì về nước Mĩ, Churchill đã trả lời: “Báo quá dày, giấy vệ sinh quá mỏng” khiến các phóng viên đều bật cười nghiêng ngả. Nhưng cười xong, mọi người mới nhận ra sự sâu sắc trong lời nói của Churchill.
Trong hoạt động bán hàng, nói năng uyển chuyển và thái độ thân thiện sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả tốt hơn trong việc thuyết phục đối phương.
Một nhân viên bán hàng nọ, thao thao giới thiệu sản phẩm thuốc diệt muỗi, thu hút rất nhiều khách hàng đến xem. Đột nhiên, có người hỏi anh ta: “Anh dám bảo đảm là thuốc diệt muỗi này giết chết tất cả muỗi không?”
Người này nhanh trí trả lời: “Không dám, trước khi ngài xịt thuốc thì muỗi vẫn sống yên ổn.”
Câu nói đùa này khiến mọi người nhanh chóng chấp nhận lời giới thiệu của anh, mấy thùng thuốc xịt muỗi đã được bán hết trong chốc lát.
Có nhiều người sở dĩ thiếu sự hài hước, là vì họ quá quen với phương thức biểu đạt thẳng thắn, đơn giản, dễ hiểu. Nhưng thẳng thắn lại không phù hợp lắm với sự hài hước. Bởi vậy, muốn trở thành người hài hước thì trước tiên hãy học phương thức biểu đạt uyển chuyển, hàm súc.
9. VÒNG VO MỘT CHÚT, HIỆU QUẢ SẼ TỐT HƠN
Cuộc sống không thể thiếu sự hài hước. Hài hước không những là tài năng, là sức mạnh, là ngọn nguồn của niềm vui và hạnh phúc mà còn là biểu hiện cao nhất của trí tuệ và các kĩ năng cuộc sống, đồng thời cũng là một phương pháp hữu hiệu để điều hòa các mối quan hệ xã hội.
Tuy vậy, không phải lúc nào cũng nên biểu đạt trực tiếp, sự hài hước cũng nên thể hiện vòng vo một chút, như vậy hiệu quả sẽ tốt hơn.
Ngày nọ, một sinh viên lớp chất lượng cao của trường đại học nổi tiếng đã tới công ty của người Do Thái để tham gia tuyển dụng.
“Cậu có yêu cầu gì?” – Ông chủ hỏi.
“Tiền lương một tháng là 500 đô-la, một năm tôi được ra nước ngoài một tháng, công ty chịu trách nhiệm thuê nhà cho tôi”. – Chàng sinh viên đáp.
“Một tháng tôi trả cậu 1.000 đô-la, một năm được ra nước ngoài hai tháng, công ty tặng cậu một ngôi nhà”.
“Có phải ông đang đùa với tôi không?” – Chàng sinh viên vô cùng kinh ngạc.
“Thế không phải cậu cũng đùa với tôi à?” – Ông chủ hỏi.
Ông chủ không hề trực tiếp từ chối chàng sinh viên này mà vòng vo một hồi, dùng đãi ngộ cao gấp đôi so với yêu cầu của chàng sinh viên để làm anh ta ý thức được rằng yêu cầu mình nêu ra là không thể, hơn nữa để anh ta nhận thức rõ giá trị của mình.
Nhưng, trong cuộc sống của chúng ta, còn rất nhiều người có tính cách “thẳng như ruột ngựa”; trong lúc cư xử luôn thể hiện sự thẳng thừng, ngang bướng.
Những người này nên học “nghệ thuật vòng vo”, để tư duy của mình đi đường vòng một chút, như thế sẽ có lợi cho giao tiếp hơn.
Để phát huy được vai trò của hài hước, thay vì nói một lời rõ ràng tất cả, chi bằng hãy vòng vo một chút, đảm bảo bạn sẽ thu được nhiều lợi ích nhất trong các mối quan hệ.
Có một hôm, nhà văn nổi tiếng người Anh Bernard Shaw đang đi trên phố thì bị một người đạp xe đâm phải, ngã lăn ra đất, may mà không bị thương, chỉ hơi hoảng sợ một chút.
Người đạp xe vội vàng đỡ ông dậy, luôn miệng xin lỗi, nhưng Bernard Shaw lại luyến tiếc nói: “Anh thật không may, nếu anh đâm chết tôi thì anh đã nổi tiếng khắp nơi rồi.”
Câu nói này của Bernard Shaw đã làm tiêu tan không khí căng thẳng giữa hai người, khiến câu chuyện được kết thúc trong sự vui vẻ, nhẹ nhàng. Như vậy có thể thấy, sự hài hước của Bernard Shaw không những để lại ấn tượng tốt trong lòng đối phương, mà còn khiến người ta cảm thấy ông là người rất thân thiện và khoan dung.
Lại một lần khác, cột sống của Bernard Shaw gặp vấn đề, ông bèn tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ nói: “Có một biện pháp, đó là lấy một miếng xương ở một phần khác của cơ thể ông để thay thế đốt xương này”. Rồi lại nói: “Ca phẫu thuật này rất khó khăn, chúng tôi chưa làm bao giờ”. Hiển nhiên, ngụ ý của của bác sĩ là: Chi phí cho ca phẫu thuật này không hề nhỏ.
Nếu lúc này, Bernard Shaw tranh luận với bác sĩ về chi phí phẫu thuật hay tỏ ra bất mãn, thất vọng thì sẽ vô tình đưa bác sĩ vào thế đối lập. Mà kết quả của sự đối lập là khiến hai bên đều khó xử, ảnh hưởng tới hiệu quả hợp tác và tiến trình điều trị.
Vì vậy sau khi nghe bác sĩ giải thích, Bernard Shaw chỉ mỉm cười và nói: “Được thôi! Nhưng xin hãy cho tôi biết, các ông định trả tôi bao nhiêu tiền công làm vật thí nghiệm?”
Một vấn đề rất khó giải quyết nhưng lại được Bernard Shaw xử lí thật khéo léo, tránh được những tranh cãi đáng tiếc, có thể coi là tình huống đối đáp điển hình thể hiện được trí thông minh kiệt xuất của nhà văn này.
Có một gia đình nông dân nọ sống trên sườn núi, cuộc sống bình thường tuy không giàu có nhưng vẫn tạm đủ sống qua ngày, chỉ có điều họ sẽ chật vật nếu phát sinh một khoản chi tiêu ngoài dự kiến.
Hôm đó, có một người bạn ở nơi xa đến nhà chơi. Tuy rằng ít gặp mặt, nhưng tình cảm giữa hai người từ lâu vẫn rất khăng khít. Gặp bạn, đôi bên đều rất vui, chủ nhà chuẩn bị cơm rượu ngon lành, người chồng cao hứng nói chuyện với bạn tới tận khi trời sáng.
Ai ngờ, người bạn đó ở lại suốt một thời gian dài vẫn chưa có dấu hiệu là sẽ ra về. Lúc này, thức ăn trong nhà đã hết, lại đang mùa mưa, mưa mãi không dứt, chủ nhà không thể xuống núi mua lương thực được, quả là đáng lo!
Thế là, người vợ đành phải nói với chồng: “Sắp hết gạo ăn rồi, anh nghĩ cách đi!”
Nhưng người chồng chỉ biết bất lực trả lời: “Anh ấy không đi thì anh cũng chẳng thể đuổi anh ấy được.”
Người vợ nói: “Không cần biết anh làm thế nào, tóm lại là giờ không còn gạo, không còn thức ăn, anh mà không giải quyết thì ba người chúng ta cùng chết đói!” Người vợ càng nói càng giận, phủi tay áo bỏ đi, để lại người chồng một mình ở đó.
Hôm sau, ăn cơm xong, chủ nhân và khách cùng ngồi ngắm mưa ngoài cửa sổ, hàn huyên về những câu chuyện ngày xưa.
Lúc này, đột nhiên chủ nhân nhìn thấy một đôi chim đang trú mưa trong sân, đôi chim này rất to, anh chưa từng thấy bao giờ.
Thế là anh nhanh trí nói với khách: “Anh từ xa tới đây, mấy hôm nay tôi chẳng chuẩn bị được thức ăn ngon đãi anh, thật là ngại quá!”
“Anh đừng nói thế, tôi cảm thấy các món đều rất ngon. Không những được anh chị tiếp đãi chu đáo mà còn được ăn ngon, ngủ ngon, tôi cảm kích lắm!”
“Nhìn kìa, ngoài cửa có một đôi chim, anh có nhìn thấy không?”
“Tôi thấy rồi, sao thế?”
“Lát nữa tôi định chặt cái cây kia đi, sau đó bắt đôi chim ấy vào làm thịt, như thế tối nay chúng ta uống rượu mới có đồ nhắm, anh nghĩ sao?”
Người khách ngạc nhiên hỏi: “Khi anh chặt xong cây thì đôi chim ấy có khi cũng bay mất rồi, anh bắt chúng làm sao được?”
Chủ nhân thấy người bạn vẫn không hiểu ý, bèn nói: “Sao bay được, trên đời này còn bao nhiêu con chim không hiểu nhân tình thế thái, cây đã đổ rồi mà vẫn không biết đường bay đi đấy thôi!”
Người khách cuối cùng cũng đã hiểu và ra về. Sự hài hước một cách vòng vo có thể biểu đạt được sự chân thành, thân thiện, kéo gần khoảng cách giữa người với người, là một thứ không thể thiếu khi muốn xây dựng quan hệ tốt với người khác. Đặc biệt là khi muốn thể hiện sự bất mãn trong lòng, nếu biết sử dụng ngôn ngữ hài hước, người khác nghe cũng thấy thuận tai hơn nhiều.
Khi cần thay đổi thái độ của một người từ phủ định sang khẳng định, hài hước có sức thuyết phục rất lớn. Khi quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng, cho dù vào thời khắc cam go nhất thì hài hước vẫn có thể khiến đôi bên giải tỏa được những mâu thuẫn và tạo nên không khí vui vẻ.
Hãy xem đoạn đối thoại dưới đây:
Tác giả: “Thưa ngài, ngài thấy tiểu thuyết này của tôi thế nào?”
Biên tập: “Viết hay lắm, hoàn toàn có thể cho đăng. Nhưng mà có một chỗ phải sửa lại một chút mới được.”
Tác giả: “Vậy sao? Thế thì ngài hãy sửa giúp tôi.”
Biên tập: “Chỉ cần sửa tên ngài thành Jack London là xong.”
Trong tình huống này, nếu người biên tập nói thẳng rằng tiểu thuyết của tác giả toàn là sao chép của nhà văn người Mĩ – Jack London, thì tuy rằng đơn giản dễ hiểu, nhưng nó lại quá “tàn nhẫn”, khiến đối phương rơi vào tình huống khó xử. Bởi vậy, nói chuyện vòng vo một chút, có thể sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Kĩ năng hài hước này có một độ khó nhất định, nó yêu cầu người nói phải có cách nói chuyện khéo léo và sự hài hước tao nhã, được thể hiện ở khả năng sử dụng ngôn ngữ và kĩ năng biểu đạt một cách nhuần nhuyễn.
Một lần tới một nhà hàng dùng cơm, nhà văn trào phúng người Pháp Tristan Bernard cảm thấy không hài lòng về đầu bếp. Sau khi thanh toán, ông gọi người quản lí nhà hàng tới.
Bernard nói với ông ta: “Xin ông hãy ôm tôi một cái.”
Người quản lí kinh ngạc hỏi vì sao.
“Vĩnh biệt ông, sau này tôi sẽ không được gặp lại ông nữa.”
Bạn thử nghĩ xem, nếu thanh toán xong, Bernard lập tức nói: “Sau này tôi sẽ không đến đây nữa!” thì còn gì gọi là nghệ thuật hài hước! Tài năng hài hước của ông thể hiện ở chỗ, rõ ràng là ông không thích tay nghề của người đầu bếp, nhưng ông vẫn nói vòng vo, giả bộ vô cùng tiếc nuối, khiến đối phương lạc vào “mê hồn trận”, rồi sau đó mới đưa ra đòn công kích cuối cùng.
Có thể thấy, mặc dù hài hước mang lại tiếng cười, nhưng cũng cần chú ý cách biểu đạt thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất. Có những việc không nên nhắc một cách chính diện mà cần thông qua phương thức “vòng vo Tam quốc”.
Nhà văn hài hước nổi tiếng người Mĩ – Robert Charles Benchley, trong một bài văn của mình đã khiêm tốn nói rằng, ông phải mất 15 năm mới phát hiện ra mình không có tài năng sáng tác.
Thế là có một độc giả gửi thư tới nói với ông: “Bây giờ ông đổi nghề vẫn còn kịp đấy.” Benchley bèn trả lời: “Bạn thân mến, không kịp nữa rồi. Giờ đây tôi không thể từ bỏ việc viết lách, bởi vì tôi đã quá nổi tiếng.”
Bức thư này sau đó đã được một tạp chí đăng lại và trở thành đề tài bàn tán rôm rả suốt một thời gian dài. Sự thực là: Các tác phẩm hài hước của Benchley nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, nhưng ông không hề chỉ trích vị độc giả không có khiếu hài hước kia, mà dùng một phương thức vòng vo nhưng khiến người ta vui vẻ để trả lời thư, vừa bảo vệ được lòng tự trọng của độc giả, đồng thời cũng bảo vệ được danh dự của bản thân.
Bởi vậy, không nhất thiết điều gì cũng phải nói thẳng thắn, mà nên cố gắng nói những lời thẳng thắn một cách vòng vo để sự hài hước đạt được hiệu quả cao nhất.
10. TRÍ TUỆ ĐƯỢC CỘNG ĐIỂM NHỜ SỰ HÀI HƯỚC
Hài hước là một biểu hiện của trí tuệ.
Người hài hước đi đâu cũng được mọi người yêu quý. Hài hước có thể giúp ta hóa giải được rất nhiều xung đột trong giao tiếp và những tình huống khó xử, khiến người khác khó lòng nổi giận được, thậm chí là trở nên rộng lượng hơn, mang lại nhiều tiếng cười cho người khác hơn.
Sức mạnh của hài hước vô cùng to lớn, nhưng hài hước vẫn cần có trí tuệ, nếu không sẽ rất dễ trở nên dung tục. Thứ chúng ta thiếu không phải là ý muốn trở nên hài hước, mà là trí tuệ để tạo ra sự hài hước. Bởi vậy, hãy để trí tuệ cộng điểm cho sự hài hước của bạn.
Einstein – nhà vật lí học vĩ đại người Đức cũng nổi tiếng là một người rất hài hước. Từng có một phóng viên yêu cầu Einstein: “Xin hãy dùng cách đơn giản nhất để giải thích về thuyết tương đối.”
Einstein nói: “Mùa hè ở bên bếp lò, bạn cảm thấy ngày dài như năm; khi hẹn hò với người tình, bạn lại cảm thấy thời gian như một mũi tên. Đây chính là thuyết tương đối về thời gian.” Phóng viên nghe xong chỉ còn biết mỉm cười.
Hài hước không những là một biểu hiện của trí tuệ, là chất xúc tác để điều hòa mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, là liều thuốc an thần trong cuộc sống chúng ta, nó còn là một cảnh giới cao độ về sự rộng lượng.
Hài hước không phải là những câu nói thật thà như đếm, mà là sự vận dụng trí tuệ, sự thông minh và các kĩ năng gây cười để người nghe nhận được sự thú vị bất ngờ khiến họ phải kinh ngạc hoặc mỉm cười, từ đó rút ra được bài học cho riêng mình.
Nhà văn Vương Mông (Trung Quốc) đã từng nói: “Hài hước là một biểu hiện trí tuệ của người trưởng thành, một thứ sức mạnh xuyên suốt, chỉ cần một hai câu là đã có thể làm nổi rõ một vấn đề vốn rối rắm phức tạp, đồng thời trong nó vừa bao hàm sự bất lực lại vừa bao hàm một hi vọng mãnh liệt.” Trong cuộc sống, chúng ta thường bật cười với những tình huống hài hước xung quanh, nhưng chưa kịp cảm nhận triết lí nhân sinh ở trong đó thì đã vội vàng quên nó đi.
Có một lần, Lincoln tranh luận với Douglas, Douglas chỉ trích Lincoln là chỉ biết nói những lời sáo rỗng, sống hai mặt.
Lincoln trả lời rằng: “Douglas chỉ trích tôi là sống hai mặt, mọi người nói xem, nếu tôi có một bộ mặt khác thì tôi có mang gương mặt xấu xí này tới gặp mọi người không?” Mọi người đều bật cười nghiêng ngả, ngay cả Douglas cũng bật cười.
Người hài hước thường rất thông minh. Có một chàng trai trẻ mới được lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ngày đầu tiên đi làm, anh triệu tập các nhân viên của công ty tới họp.
Trước tiên, anh tự giới thiệu: “Tôi là Jerry, là Chủ tịch Hội đồng quản trị, sau đó nói tiếp: “Tôi sinh ra đã là nhà lãnh đạo, bởi tôi là con trai của Chủ tịch Hội đồng quản trị tiền nhiệm.” Mọi người tham dự cuộc họp đều bật cười, bản thân anh cũng cười.
Anh đã dùng sự hài hước để chứng minh rằng, mình sẽ dùng một thái độ đúng đắn để nhìn nhận địa vị của mình, đồng thời thể hiện anh là người biết cách xử sự. Trên thực tế, anh đã rất khéo léo bày tỏ nguyện vọng sau đó: “Chính vì thế nên tôi sẽ cùng với mọi người nỗ lực làm việc, để mọi người thay đổi cách nhìn về tôi.”
Tất cả những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm đều biết, muốn cấp dưới đồng tâm hiệp lực với mình thì phải “nhân tính hóa” hình tượng của mình trong mắt mọi người. Có một lần, Thủ tướng – Tổng tư lệnh Lục quân Anh Churchill đi thị sát một nhóm quân. Lúc đó trời vừa đổ mưa, sau khi ông diễn thuyết trên một cái bục dựng tạm, lúc đi xuống khỏi bục, vì đường trơn nên đã bị ngã.
Các binh sĩ chưa bao giờ thấy Tổng tư lệnh của mình bị ngã, bởi vậy đều bật cười ha hả, mấy viên sĩ quan đi cùng ông hốt hoảng, không biết phải làm thế nào. Lúc này, Churchill mỉm cười nói: “Việc này còn cổ vũ ý chí của binh sĩ hơn cả màn diễn thuyết ban nãy.”
Thực sự thì hiệu quả của nó đúng như những gì Churchill nói, các binh sĩ không còn cảm thấy xa lạ với Tổng tư lệnh nữa, họ càng kiên định nghe theo mệnh lệnh của ông và dũng cảm chiến đấu.
Vị quan tòa nọ có hàng xóm là một người yêu âm nhạc cuồng nhiệt, thường mở nhạc rất to, tới mức những người xung quanh phải khó chịu. Vị quan tòa này không được nghỉ ngơi, bèn cầm một cái rìu tới trước cửa nhà hàng xóm.
Ông nói: “Tôi tới sửa cái loa nhà cậu.” Anh chàng giật mình, vội vàng xin lỗi.
Vị quan tòa nói: “Người phải xin lỗi là tôi, cậu đừng ra tòa tố cáo tôi, xem tôi mang cả hung khí đến đây này.” Nói xong, hai người lập tức mỉm cười như những người bạn thân.
Vị quan tòa này không hề muốn phá hỏng bộ loa của người hàng xóm, ông chỉ khéo léo bày tỏ sự bất mãn của mình với hành động của hàng xóm mà thôi.
Ở ví dụ này, cần lưu ý một điều rằng, vị quan tòa chỉ nhắm vào bộ loa, chứ không nhắm vào người. Hành vi của ông gần như muốn nói với người hàng xóm rằng: “Chúng ta là hàng xóm, tôi hi vọng có thể chung sống hòa thuận với cậu, còn về âm thanh thì có thể điều chỉnh lại một chút.” Đương nhiên, “điều chỉnh” có nghĩa là “hãy vặn nhỏ âm thanh xuống”.
Trong kì thi tuyển dụng của một công ty lớn, sau ba vòng loại, chỉ còn lại 11 ứng cử viên. Cuối cùng giữ lại 6 người trong số đó, 6 người này sẽ được Tổng giám đốc trực tiếp phỏng vấn. Nhưng khi phỏng vấn lại xảy ra một tình huống rất khó hiểu – có tới 12 ứng viên. Tổng giám đốc hỏi: “Trong số các bạn, ai không phải ứng viên?”
Một người đàn ông đứng ở hàng cuối cùng bước ra, nói: “Thưa ông, tôi là người bị loại từ vòng đầu tiên, nhưng tôi muốn thử buổi phỏng vấn.”
Lúc này, ngay cả ông già đứng ở cửa quan sát buổi phỏng vấn cũng cười, mọi người đều cảm thấy rất thú vị. Vị tổng giám đốc hứng thú hỏi: “Vòng đầu tiên anh còn không qua nổi thì đến vòng phỏng vấn này, anh làm sao có thể vượt qua được!”
Người đàn ông nói: “Tôi có trong tay rất nhiều tài sản, bởi vậy, bản thân tôi cũng là một tài sản.” Mọi người lại cười một lần nữa, vì họ cảm thấy người này đúng là không biết trời cao đất dày là gì.
Nhưng người đàn ông đó không hề phật ý, anh ta tiếp tục nói: “Tôi chỉ có một bản sơ yếu lí lịch, một chức danh trung bình, nhưng tôi có 11 năm kinh nghiệm làm việc, từng phục vụ ở 18 công ty…”
Tổng giám đốc ngắt lời anh: “Học lực và chức danh của anh không phải là cao, làm việc 11 năm cũng tốt, nhưng trong 11 năm đó anh làm ở 18 công ty thì tôi lại không thích lắm.”
Người đàn ông đáp: “Thưa ông, tôi không nhảy việc, sự thực là 18 công ty kia lần lượt phá sản.” Nghe anh nói đến đây, mọi người lại cười rộ lên, một người trong số đó còn nói: “Anh đúng là kẻ xui xẻo!”
Lần này, người đàn ông lại cười và nói: “Ngược lại, tôi cho rằng đó chính là tài sản của tôi.”
Đúng lúc này thì ông lão đứng ngoài cửa bước vào, rót trà cho Tổng giám đốc. Người đàn ông tiếp tục nói: “Rất nhiều người có kinh nghiệm theo đuổi thành công, còn tôi thì có kinh nghiệm tránh sai lầm và thất bại! 18 công ty mà tôi làm việc trong 11 năm qua đã bồi dưỡng và rèn luyện cho tôi khả năng quan sát nhạy bén đối với cả con người, sự việc và tương lai. Lấy một ví dụ nhỏ, người phỏng vấn thực sự hôm nay không phải ông, mà là ông lão vừa rót trà…”
Lúc này, 11 ứng cử viên có mặt ở đó đều ngỡ ngàng, kinh ngạc nhìn ông lão vừa vào rót trà. Ông lão đó cười: “Tốt lắm, cậu là người đầu tiên được tuyển dụng, bởi vì tôi nóng lòng muốn biết phần vì sao diễn xuất của tôi lại thất bại?” Thế là người đàn ông được công ty đó tuyển dụng.
Sau khi gửi hồ sơ xin việc, Phương được một công ty gửi Email xin lỗi vì không thể tuyển dụng anh, nhưng có thể do lỗi hệ thống nên công ty đã gửi tới hai bức thư xin lỗi.
Vì thế mà Phương không hề do dự viết Email hồi âm: “Quý công ty đã hai lần tỏ ra tiếc vì không thể tuyển dụng tôi, vậy thì sao không cho tôi một cơ hội được phỏng vấn nhỉ.” Chỉ một câu nói hài hước như vậy đã khiến anh được công ty này trao cơ hội phỏng vấn ở một vị trí công việc khác.
Bởi vậy có những lúc, bạn cũng cần phải hài hước một chút, như thế bạn sẽ “biến nguy thành an”, và tìm được một kết cục vui vẻ.
Hài hước một cách đúng mực giống như chiếc đũa thần tỏa sáng lấp lánh, chỉ cần gõ nhẹ một cái, nó sẽ biến cuộc sống nhạt nhẽo của bạn thành trăm ngàn đóa hoa rực rỡ.
Hài hước cần có trí tuệ và linh cảm, nhưng những người không hài hước có thể thông qua phương thức tư duy vui vẻ để thay đổi tính cách của mình.
Ví dụ, những người bạn già gặp nhau thường hay nói: “Gặp một lần bớt một lần.” Trong sự cảm khái đó bộc lộ vài phần luyến tiếc và bi ai. Nhưng nếu có thể thay đổi cách suy nghĩ, sửa câu đó thành “Gặp một lần thêm một lần” thì tâm trạng cũng sẽ thay đổi theo.
“Bớt một lần” được hiểu là ngày tháng không còn nhiều, ngày chết đã cận kề, còn “thêm một lần” lại thể hiện bạn bè cũ khó gặp mặt nhau, nên trân trọng hiện tại, cùng chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ này.
Thực ra, ai cũng thích sự hài hước, bởi hài hước có thể đưa tới sự thấu hiểu giữa người với người, do đó, nó thường khiến người ta dễ chấp nhận hơn. Người hài hước không chỉ mang lại niềm vui cho chính mình, mà còn mang lại niềm vui cho người khác.
Hài hước có thể cứu vãn được một tình huống khó xử, là biểu hiện của trí tuệ và sự thông minh. Nó cũng biểu hiện cho một thái độ sống ung dung và lạc quan.
Dù thế nào thì chúng ta cũng cần hiểu rằng: Buồn bã và tuyệt vọng không phải lúc nào cũng có người đồng cảm; những bất hạnh và phiền não trong cuộc sống không thể giúp bạn tìm được người chia sẻ. Buồn bã hay vui vẻ chủ yếu phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận sự việc ra sao.
Hài hước thực sự không phải là sự “khôn lỏi” hay trốn tránh thực tại, mà là một “trí tuệ của tâm hồn.”
0 Nhận xét